Cần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc có áp thuế VAT với phân bón hay không

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận ở hội trường và quá trình làm việc giữa cơ quan thẩm tra với cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) còn một số nội dung có ý kiến khác nhau. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan phối hợp xây dựng phương án cụ thể, đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, bảo đảm khách quan, nêu rõ căn cứ, các ưu điểm và nhược điểm của từng phương án.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Dù là phương án nào cũng phải có đánh thuế để bảo vệ sản xuất trong nước

Báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, nội dung về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang diện chịu thuế suất 5% đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Theo đó, chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5% như thể hiện trong dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định thể hiện trong dự thảo Luật, nội dung giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành (không chịu thuế VAT). Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Nêu rõ, đây là nội dung được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất, nhưng tại phiên thảo luận ở Hội trường vẫn còn hai loại ý kiến, cũng là vấn đề nhận sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với phương án lấy ý kiến đại biểu. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cung cấp đầy đủ thông tin, trong đó chỉ rõ thị phần phân bón sản xuất trong nước, nhập khẩu hiện nay như thế nào, nếu quyết định áp thuế suất 5% sẽ tác động ra sao... Trên cơ sở đó, sẽ định hướng và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, tạo sự đồng thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Tán thành đưa ra lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế VAT, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, không đưa ra lấy phiếu giữa hai phương án không tính thuế giá trị gia tăng hay áp mức thuế suất 5% với phân bón, mà "lấy phương án nào cũng phải có đánh thuế" để bảo vệ sản xuất trong nước. Bởi lẽ, việc áp dụng mức thuế suất 0% với mặt hàng phân bón và vẫn để phân bón vào diện không chịu thuế VAT là hai câu chuyện khác nhau.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phân tích về ảnh hưởng của việc đưa mặt hàng phân bón về diện chịu VAT đối với Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã phát triển, hiện chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường phân bón nước ta. Hiện nay, do phân bón không chịu thuế VAT, doanh nghiệp trong nước sẽ không được hoàn thuế, khiến chi phí sản xuất lớn, không cạnh tranh được phân bón nhập khẩu, buộc doanh nghiệp phải đẩy giá lên và nông dân phải chịu. Do vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đưa mặt hàng phân bón về diện chịu thuế VAT sẽ hoàn thuế được cho doanh nghiệp, giúp bảo vệ sản xuất trong nước.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, những doanh nghiệp này chỉ nhập khẩu để bán ở thị trường nước ta, không sản xuất, nên khi phân bón không chịu thuế VAT thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi. Nếu đưa mặt hàng phân bón về diện chịu thuế VAT có thể sẽ làm giá phân bón nhập khẩu tăng lên, nông dân bị ảnh hưởng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Do vậy, khi lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về phương án chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất VAT, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, các cơ quan chức năng phải có báo cáo giải trình cụ thể về tác động đến Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trong mỗi mức thuế suất được đưa ra lấy ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị phương án tính thuế VAT 2% với phân bón. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phối hợp để xử lý phương án mới được đại biểu đề xuất trước khi hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Có nên giữ như hiện hành quy định không phải nộp thuế VAT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế VAT đầu vào?

Tại phiên họp sáng nay, quy định không phải nộp thuế VAT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế VAT đầu vào tại khoản 1 Điều 5 cũng được Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra.

Cụ thể, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bỏ quy định cho phép không nộp thuế VAT đầu ra, nhưng lại được khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại để bảo đảm nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng. Đó là chỉ được khấu trừ thuế VAT đầu vào khi đầu ra thuộc diện chịu thuế VAT. Nhưng, Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như quy định hiện hành, đó là không phải tính, nộp thuế VAT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Tán thành với đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng đã khẳng định quy định hiện hành cho phép không nộp thuế VAT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại đang được thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả. Quy định này không chỉ là giúp phát triển sản xuất nông, lâm thủy sản mà còn đơn giản hóa thủ tục thu thuế. “Quy định đang thực hiện tốt thì không lý do gì chúng ta lại bỏ đi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Dù vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, phương án giữ quy định “cho phép không nộp thuế VAT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại” khác với phương án được Chính phủ trình ra Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ Bảy. Do đó, nội dung này không cần đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, mà cần tổ chức lấy ý kiến lại trong Chính phủ.

Báo cáo cụ thể về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, quy định cho phép không nộp thuế VAT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc chung về áp thuế giá trị gia tăng hiện nay. Trong Luật hiện hành cũng quy định ở khâu sản xuất và nhập khẩu sẽ không chịu thuế, nhưng khi bán đến người tiêu dùng và xuất khẩu sẽ vẫn chịu thuế. Mặt khác, qua thực tế theo dõi, quản lý việc hành thu thuế VAT, Thứ trưởng cho biết, nếu bỏ quy định này sẽ có nguy cơ phát sinh các hành vi gian lận trong kê khai và nộp thuế.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan, trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các cơ quan tiếp tục rà soát, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình, bảo đảm chất lượng dự án luật. Đồng thời, chú ý rà soát bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như thực hiện chủ trương đổi mới của Nhà nước, của Quốc hội trong công tác xây dựng luật, thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Với các nội dung tại dự thảo Luật dự kiến sẽ đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các cơ quan cần phối hợp xây dựng phương án cụ thể, bảo đảm khách quan, nêu rõ căn cứ, các ưu điểm và nhược điểm của từng phương án, tránh tình trạng phương án nào hay sẽ tập trung đưa ra ưu điểm, không báo cáo đầy đủ những nhược điểm của phương án đó.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-lay-y-kien-dai-bieu-quoc-hoi-ve-viec-co-ap-thue-vat-voi-phan-bon-hay-khong-post396362.html