Cần lộ trình hợp lý
Tại tọa đàm 'Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát' chiều ngày 4.4, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh rủi ro quốc tế gia tăng, nhất là mới đây Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế 46% với hàng Việt Nam, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, việc tăng thuế cần được cân nhắc kỹ lưỡng tránh làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.
Việt Nam thuộc top 10 nước người dân lười vận động nhất thế giới
Cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn với tính hợp lý của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Điều này xuất phát từ thực tế, chưa có nghiên cứu hay chứng cứ khoa học khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì.

Toàn cảnh tọa đàm
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Đại học Y Hà Nội, một số nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì như: Thói quen ít vận động, di truyền, nguyên nhân bệnh lý, thói quen tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo, protein, lượng muối cao và giàu năng lượng dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì …
Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới với 86,3% thanh thiếu niên và 28,1% người trưởng thành thiếu hoạt động thể chất. Do đó, thừa cân béo phì do nhiều nguyên nhân phức tạp cấu thành, không nên đơn thuần coi việc tiêu thị đường hay một sản phẩm cụ thể nào nguyên nhân chính và duy nhất dễn đến thừa cân béo phì - ông Dũng nêu rõ.
Thêm vào đó, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) năm 2023, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn so với học sinh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn của trẻ em ở khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, hoàn toàn chưa có cơ sở để khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì.
Ngoài ra, theo các chuyên gia việc chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên một nhóm sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml cũng có nguy cơ sẽ gây hiểu lầm, khiến người dùng chuyển sang tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường tương tự hoặc thậm chí còn cao hơn không bị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đồ uống có chứa đường bán trên đường phố như trà sữa, chè, cà phê, nước hoa quả,… nhưng lại không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Các loại đồ uống này khó kiểm soát được hàm lượng đường cũng như chất lượng sản phẩm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tại các quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường như Hungary, Pháp và Mexico, tỷ lệ dân số béo phì và thừa cân vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua. Do sự kém hiệu quả của sắc thuế này trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và các tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội, một số quốc gia như Đan Mạch, Na Uy và một số bang của Mỹ đã bãi bỏ thuế này sau một thời gian áp dụng. Một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Thay vào đó, Chính phủ tập trung vào các chiến dịch giáo dục về dinh dưỡng, thể dục và khuyến khích lối sống tích cực.
Cần lộ trình phù hợp để doanh nghiệp thích ứng
Ngành nước giải khát còn là ngành ảnh hưởng chuỗi giá trị 25 ngành liên quan; doanh thu của ngành khi suy giảm sẽ ảnh hưởng đến điểm GDP toàn nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên của Chính phủ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đức, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN, việc áp thuế 10% đối với nước giải khát có đường không chỉ tác động tiêu cực đến ngành đồ uống mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Cũng theo ông Đức, cải cách thuế cần phải cân bằng giữa các mục tiêu tài chính và động lực kinh tế. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư. Điều này đi ngược mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, nhất là trong tình hình rủi ro quốc tế đang gia tăng, mà mới đây nhất là việc chính quyền Trump áp thuế 46% đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.
Thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm tăng trưởng cho thấy doanh nghiệp cần có thời gian để phát triển sản phẩm mới, điều chỉnh quy trình sản xuất cũng như các giải pháp kinh doanh và cân đối tài chính đáp ứng yêu cầu của chính sách. Thông thường, cần 24 tháng để có nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai đồng loạt tương ứng với điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và tài chính là khung thời gian phù hợp.

Toàn cảnh tọa đàm
Trước vấn đề lộ trình tăng thuế như thế nào, các chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ cân nhắc, tính toán để doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn hiện nay. Nguyên tắc chung là hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân, mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, để có thời gian thích ứng, doanh nghiệp mong chờ việc áp thuế cần có lộ trình phù hợp, bắt đầu từ năm 2028.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-lo-trinh-hop-ly-post409349.html