Cần lộ trình và chính sách hỗ trợ cho kiểm định khí thải xe máy
Thông tư 47/2024/TT-BGTVT liên quan đến kiểm định khí thải mô tô, xe máy được xem là bước đi cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu phát riển bền vững. Song, để triển khai hiệu quả cần xây dựng lộ trình hợp lý, nâng cấp hạ tầng kiểm định và chính sách hỗ trợ để giảm gánh nặng cho người dân…
Trả lời phỏng vấn của VnEconomy, Luật sư Đào Tiến Phong, Công ty Tư vấn InvestPush, cho biết việc thực hiện Thông tư 47/2024/TT-BGTVT tất nhiên sẽ cần thời gian và có một số khó khăn. Tuy nhiên, quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay ở Việt Nam vì quy định này xuất phát từ mục tiêu bảo vệ môi trường, bối cảnh hội nhập quốc tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
“BÀI TOÁN” VỀ HẠ TẦNG VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Theo Luật sư Đào Tiến Phong, quy định khi được ban hành cũng giúp nâng cao tình hình an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông vì khi người dân phải bảo trì phương tiện thì sự an toàn của phương tiện khi lưu thông sẽ cao.
“Song, vẫn sẽ tác động tiêu cực đến người dân khi phải tốn thêm thời gian và chi phí kiểm định và bảo trì xe định kỳ, đặc biệt những người có thu nhập thấp sẽ chịu áp lực tài chính lớn hơn”, ông Phong nhận định.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Phong, với những phương tiện quá cũ không thể khắc phục thì có thể người dân phải mua xe mới dẫn tới gánh nặng về thời gian và thủ tục hành chính. Ở chiều ngược lại khi người dân mua xe mới sẽ có xu hướng chuyển sang mua xe điện để giảm bớt nỗi lo khí thải.
Qua rà soát của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại trên cả nước sẽ có gần 3.000 cơ sở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và hạn chế đến mức thấp nhất không để xảy ra tình trạng ùn tắc có thể xảy ra tại các cơ sở kiểm định khí thải.
Tại Việt Nam hiện có hơn 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, chiếm phần lớn phương tiện giao thông cá nhân. Số lượng xe khổng lồ này đặt ra thách thức lớn đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm định từ máy móc, nhân sự, quản lý hành chính. Do đó, theo Luật sư Đào Tiến Phong, cần có lộ trình để thực hiện chứ chưa thể triển khai ngay từ 1/1/2025.
Ngoài ra, sự giãn cách giữa các chu kỳ kiểm định là 24 tháng, phương tiện sau 12 năm là mỗi 12 tháng, còn phương tiện mới 5 năm đầu thì không phải đến cơ sở kiểm định nên cơ quan quản lý chỉ bị quá tải giai đoạn đầu.
Để tăng tính khả thi khi triển khai quy định này, Luật sư Phong kiến nghị cần có lộ trình và triển khai đồng bộ như triển khai kiểm định trước ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp như miễn giảm phí kiểm định và hỗ trợ chi phí sửa chữa xe cho người dân khó khăn, hoặc hỗ trợ chuyển đổi sang xe mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn; tăng cường hệ thống hạ tầng kiểm định để việc kiểm định đơn giản, nhanh chóng và chi phí hợp lý;…
Anh Thiên Quang (24 tuổi), đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, cho biết sau khi nghe thông tin về việc đăng kiểm khí thải xe máy anh thấy khá lo lắng vì nhà đang có 3 xe máy đều trên 5 năm sử dụng.
“Cần có những hướng dẫn rõ ràng hơn về quy định để người dân hiểu rõ về quy định và lợi ích mà việc kiểm định mang lại. Tôi nghĩ cũng cần có sự hỗ từ Chính phủ, đồng thời cần có các biện pháp xử phạt mang tính răn đe đối với những trường hợp làm sai quy định”, anh Quang nêu ý kiến.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐƯỢC ĐƯA RA
Sau khi Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT được ban hành, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã có báo cáo đưa ra loạt giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc và rút ngắn thời gian kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Nhằm giảm số lượng xe phải đến cơ sở kiểm định khí thải, Thông tư 47/2024 quy định, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sử dụng đến 5 năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểm định khí thải trên phần mềm quản lý kiểm định trên cơ sở kết quả chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu lấy từ dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam kết hợp cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý xe cơ giới của Bộ Công an.
“Chủ xe không phải nộp hồ sơ kiểm định khí thải và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải; góp phần giảm ùn tắc tại các cơ sở kiểm định khí thải trong giai đoạn đầu thực hiện việc kiểm định khí thải”, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Mặt khác, Thông tư cũng quy định giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy là giấy chứng nhận điện tử, được tích hợp dữ liệu với tài khoản định danh điện tử của chủ xe. “Điều này sẽ giảm được thời gian in, dán tem kiểm định lên xe khi trả kết quả kiểm định góp phần làm tăng năng suất, giảm chi phí thực hiện kiểm định khí thải”, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định.
Song song đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức, nhận thức và hiểu biết của người dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
“Việc xây dựng chu kỳ kiểm định trên sẽ dựa trên kết quả khảo sát nghiên cứu, đánh giá thực tế và tham khảo việc áp dụng chu kỳ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy của các nước trên thế giới đã và đang áp dụng, ví dụ như: Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan,…”, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư 47, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu rà soát kỹ từ kinh nghiệm một số nước trong khu vực; kế thừa kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) để đưa ra chu kỳ kiểm định.
Theo đó, đối với kiểm định lần đầu, kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế kiểm tra khí thải cho khoảng 20.000 xe mô tô xe gắn máy tại 3 thành phố (Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng) cho thấy đối với các xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sử dụng dưới 05 năm (tính theo năm sản xuất, đến thời điểm thực hiện kiểm tra khí thải) mức phát thải chất gây ô nhiễm, hầu như có sự thay đổi không lớn, có thể đáp ứng các mức tiêu chuẩn khí thải.
Đối với các xe có thời gian sử dụng trên 5 năm, theo kết quả khảo sát số km trung bình 1 ngày, tần suất sử dụng trung bình, phát thải chất gây ô nhiễm có sự gia tăng đáng kể, phụ thuộc vào chế độ bảo dưỡng và tần suất sử dụng phương tiện của chủ xe.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy quá cũ (thời gian sử dụng trên 12 năm), kết quả kiểm tra thực tế cho thấy tỷ lệ phát thải chất gây ô nhiễm tăng cao.