Cần mạnh tay với các doanh nghiệp 'trốn' niêm yết trên sàn chứng khoán

Cùng với tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 'nhỏ giọt' thì rất nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa song không thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định. Chỉ ra nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc chưa nắm rõ các quy định thì không ít doanh nghiệp có tâm lý giấu diếm thông tin, do đó, cần có chế tài xử lý mạnh hơn.

Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đến nay còn 796 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định. Đặc biệt, có 148 công ty đại chúng có từ 100 cổ đông trở lên buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán theo Luật Chứng khoán nhưng vẫn chưa thực hiện và trong gần hai năm, từ tháng 8/2017 đến tháng 6/2019, chỉ có 125 DN thực hiện niêm yết theo đúng quy định.

Có thể quy định theo hướng Ủy ban Chứng khoán nhà nước không cho phép các doanh nghiệp đã cổ phần được tăng vốn nếu không niêm yết công khai trên sàn chứng khoán. Ảnh minh họa

Có thể quy định theo hướng Ủy ban Chứng khoán nhà nước không cho phép các doanh nghiệp đã cổ phần được tăng vốn nếu không niêm yết công khai trên sàn chứng khoán. Ảnh minh họa

Việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán không chỉ làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, làm chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần mà còn làm hạn chế công tác giám sát của xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp vì, theo phân tích của các chuyên gia, việc “trốn” niêm yết sẽ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ cổ đông tại doanh nghiệp, trong khi cổ đông lớn là Nhà nước và các cổ đông nhỏ đều thiệt hại.

Rất nhiều nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho tình trạng trì hoãn, “trốn” niêm yết, từ việc chưa hiểu rõ các quy định về đưa cổ phiếu lên sàn; do kinh doanh thua lỗ nhiều năm;… đến không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết; hoặc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước…

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – chỉ rõ, một trong những nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp có nợ đọng quá lớn nên không thực hiện niêm yết.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng rất đáng quan tâm là chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện niêm yết còn quá nhẹ, chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính vài chục đến vài trăm triệu đồng nên không đủ tính răn đe. Do đó, nhiều doanh nghiệp sau khi bị xử phạt không chỉ không nộp phạt mà còn tiếp tục trì hoãn việc niêm yết. Cụ thể, qua kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã quyết định xử phạt 148 doanh nghiệp, song đến nay chỉ có 24 doanh nghiệp chấp hành nộp phạt.

Để buộc các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán theo đúng quy định nhằm minh bạch hóa thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thì cần có chế tài mạnh tay hơn.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, trình Chính phủ công bố công khai, gắn với đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Bộ Tài chính cũng đôn đốc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan này cũng như của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trong việc doanh nghiệp chậm niêm yết. Đồng thời, giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt theo hướng bảo đảm công bằng, minh bạch đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-manh-tay-voi-cac-doanh-nghiep-tron-niem-yet-tren-san-chung-khoan-124422.html