Cần một nông thôn mới cả hình thức và tư duy

Chúng ta không chỉ cần một nông thôn mới về hình thức mà còn phải mới trong tư duy, cách làm và tổ chức sản xuất, phát triển cộng đồng.

Đây là chia sẻ của ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tại Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chứcsáng 20/2, tại Hà Nội.

Thu nhập người dân nông thôn tăng 1,35 lần

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương - cho biết, đến tháng 1/2025, cả nước đã có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 9,8% so với cuối năm 2021 và đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 20/2, tại Hà Nội

Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 20/2, tại Hà Nội

Có 305/645 đơn vị cấp huyện (47,2%) thuộc 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 92 đơn vị so với cuối năm 2021, đạt 94,7% so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao).

23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 10 tỉnh so với cuối năm 2021), trong đó, có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 29,4% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 được giao.

Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng.

Trong đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt khoảng 56,4 triệu đồng/người/năm (tăng 1,35 lần so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 4,8%, giảm 2,3% so với năm 2020; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 58% (tăng 7% so với cuối năm 2020)...

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều xã vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn chưa đạt chuẩn, điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn; một số địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí sau khi đạt chuẩn. Bên cạnh đó, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được đột phá trong nâng cao năng suất và gia tăng giá trị nông sản; vấn đề môi trường, xử lý rác thải và nước thải nông thôn vẫn chưa được giải quyết triệt để…

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045: “Tiếp tục xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”.

Giai đoạn 2026 - 2030 cần thiết triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tiếp tục tập trung hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 “Có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao".

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020”; tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, cấp thiết ở địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn…

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các chương trình chuyên đề nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn mới thực chất, đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nông thôn hiện đại, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Nhu cầu vốn cho giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 89.000 tỷ đồng

Ông Ngô Trường Sơn cũng nêu rõ, giai đoạn 2011 - 2020, tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình là 79.555 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 16.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 63.155 tỷ đồng).

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 20230, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011-2020”. Nếu thực hiện theo Nghị quyết số 19 thì tổng vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 160.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt cho Chương trình là 41.682 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 117.000 tỷ đồng.

Nông thôn mới huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng ngày càng khang trang. Ảnh minh họa

Nông thôn mới huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng ngày càng khang trang. Ảnh minh họa

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, nhu cầu vốn ngân sách trung ương cần thiết hỗ trợ giai đoạn 2026-2030 khoảng 89.000 tỷ đồng, để tập trung thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho 20% (khoảng 1.600 xã) phấn đấu xây dựng nông thôn mới và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Hầu hết các xã đều thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, đến nay đạt dưới 15 tiêu chí. Những tiêu chí chưa đạt chủ yếu tập trung vào các nội dung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường,… cần nguồn lực hỗ trợ rất lớn từ ngân sách Trung ương (vốn đầu tư phát triển).

Thứ hai, tập trung nguồn lực cho tối thiểu 140 đơn vị cấp huyện (20%) để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; khoảng 90 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ cho trên 6.400 xã (80%) đã đạt chuẩn nông thôn mới và 320 đơn vị cấp huyện (50%) đạt chuẩn nông thôn mới /hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến 2025 tiếp tục duy trì chất lượng sau đạt chuẩn và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện.

Thứ tư, hỗ trợ thực hiện các chương trình chuyên đề và thí điểm một số mô hình xây dựng nông thôn mới hạnh phúc, nông thôn mới thông minh, làm cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, để nghiên cứu, đề xuất cho giai đoạn 2031-2035.

Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác được cấp có thẩm quyền quyết định.

Cần xây dựng một khung chương trình mới

Tại Hội thảo, các đại biểuđã trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030; tham luận về “Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Thuận lợi và Thách thức”; Tham luận: “Định hướng chiến lược trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030”.Đồng thời, các đại biểu cùng nhau thảo luận và tham vấn ý kiến về định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện giai đoạn 2026 - 2030.

Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu tại Hội thảo

Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu tại Hội thảo

Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đề xuất, trong giai đoạn mới, cần xây dựng một khung chương trình mới đó là “Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện đại” phù hợp với tinh thần Đại hội XIII và Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, phát huy thành tựu, khắc phục tồn tại của giai đoạn trước và có tính đến bối cảnh mới.

Trong bối cảnh mới, với sự phát triển nhanh của công nghệ, tác động mạnh của biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong cơ cấu lao động, ông Cao Đức Phát đề xuất một chiến lược phát triển nông thôn mới có trọng tâm.

Một là, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng xanh và số hóa, tạo việc làm và thu nhập cao cho cư dân nông thôn. Hai là, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo đời sống tinh thần phong phú. Ba là, tăng cường bảo vệ môi trường và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải. Bốn là, tiếp tục nâng cấp hạ tầng nông thôn, kết nối với đô thị hóa để tạo động lực phát triển mạnh mẽ.

Ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu tại hội thảo

"Thế giới đang thay đổi rất nhanh và nông thôn Việt Nam không thể mãi đi theo lối mòn cũ. Nếu bạn muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những điều chưa từng làm”, ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thông tin và cho biết, nếu trước đây chúng ta nói về nông thôn mới với đường sá, trường trạm, nhà cửa khang trang thì giờ đây, chúng ta cần nhấn mạnh hơn đến một nông thôn tri thức, một nông thôn có tính kết nối cao và một nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Đưa ra định hướng xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, ông Lê Minh Hoan cho rằng, cần xây dựng cộng đồng nông thôn tri thức – đưa tri thức về làng quê; phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế trang trại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng một nông thôn đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

“Xây dựng nông thôn mới không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển. Chúng ta không chỉ cần một nông thôn “mới” về hình thức mà còn phải mới trong tư duy, trong cách làm, mới trong tổ chức sản xuất và phát triển cộng đồng”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ và nhấn mạnh, muốn nông thôn Việt Nam phát triển, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, tư duy và hành động.

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 - phát biểu tại Hội thảo

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 - phát biểu tại Hội thảo

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 - cho hay, trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ khác giai đoạn trước với những đòi hỏi cao hơn và đặt ra yêu cầu làm sao để Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải là thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Bộ sẽ định hướng khung chương trình và tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về việc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự chung tay của chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học - công nghệ và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, chúng ta sẽ xây dựng được một nông thôn Việt Nam phát triển, tri thức, kết nối và đáng sống.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-mot-nong-thon-moi-ca-hinh-thuc-va-tu-duy-374803.html