Cần nguồn lực tài chính 6,8%/GDP mỗi năm để đạt mục tiêu phát thải ròng vào 2050

Dù chương trình tín dụng xanh triển khai gần 10 năm, với dư nợ tăng gấp 9 lần ban đầu, song quy mô còn khiêm tốn với tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ. Nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành chính sách, công cụ hỗ trợ chậm trễ là lý do khiến dòng vốn này bị teo tóp, góp phần ảnh hưởng tiến trình chuyển đổi sang kinh tế xanh...

Trong bối cảnh khung khổ pháp lý chưa rõ ràng, áp lực chuyển đổi hiện rất lớn, nhiều chuyên gia gợi ý doanh nghiệp cần "vừa chạy, vừa làm" để đón đầu cơ hội thay vì chờ đợi.

Trong bối cảnh khung khổ pháp lý chưa rõ ràng, áp lực chuyển đổi hiện rất lớn, nhiều chuyên gia gợi ý doanh nghiệp cần "vừa chạy, vừa làm" để đón đầu cơ hội thay vì chờ đợi.

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2024, ngày 4/6, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững" nhằm đánh giá khách quan về thực trạng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đặc biệt là nhìn nhận rõ những khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

TĂNG TRƯỞNG GẤP 7 LẦN DƯ NỢ NỀN KINH TẾ NHƯNG TỶ TRỌNG THẤP

Với vai trò huyết mạch, ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quá trình xanh hóa của nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...

Đặc biệt, ngành ngân hàng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các dự án áp dụng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.

Thông tin tại tọa đàm, bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, cho biết tính đến ngày 31/03/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trước đó, thời điểm cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, dư nợ chỉ 71 nghìn tỷ đồng.

Sau 9 năm, dư nợ cho chương trình xanh tăng 9 lần, bình quân mỗi năm tăng 100%. Nếu đánh giá so với dư nợ bình quân chung của cả nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh tăng gấp 7 lần.

Trong 637 nghìn tỷ đồng tín dụng xanh được tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 47%, nông nghiệp xanh khoảng 32%, nước sạch cho đô thị nông thôn khoảng 11% và phần còn lại dành cho lâm nghiệp.

Trong số đó, tín dụng trung dài hạn chiếm 77% tổng dư nợ xanh.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng có đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng mặc dù được quan tâm, ngành ngân hàng và các bộ, ngành khác dành nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng quy mô tín dụng xanh còn nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, việc triển khai mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia tại tọa đàm bàn thảo nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến tăng trưởng bền vững.

Các chuyên gia tại tọa đàm bàn thảo nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến tăng trưởng bền vững.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, có 4 thách thức khiến tiến trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn gặp trở ngại.

Trở ngại thứ nhất là do nhận thức người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa có sự đồng thuận.

Trở ngại thứ hai là từ nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ thích ứng phát triển kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp và lối sống sinh hoạt của người dân.

Trở ngại thứ ba là thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ ngành, khối doanh nghiệp.

Trở ngại thứ tư là về nguồn lực tài chính. Muốn tăng trưởng xanh, đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050 cần tới 6,8% GDP/năm để đầu tư đổi mới công nghệ và đáp ứng mục tiêu này.

Nhìn rõ những khó khăn trong lộ trình phát triển kinh tế xanh, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng Việt Nam hiểu và có định hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng bài học kinh nghiệm chưa nhiều.

Vấn đề Việt Nam phải đối diện hiện nay là "vừa chạy, vừa làm", đặc biệt trong bối cảnh khung khổ pháp lý chưa rõ ràng, mù mờ, áp lực chuyển đổi hiện rất lớn và mệnh lệnh từ Chính phủ rất mạnh mẽ. Ông Thành nhấn mạnh nếu doanh nghiệp chờ hoàn chỉnh chính sách, chờ hỗ trợ từ Nhà nước thì không có Khu công nghiệp Deep C, Nam Cầu Kiền, FPT như hiện nay...

TÌM KIẾM CÔNG CỤ HỖ TRỢ, LƯU Ý CẦN CẢ "CÂY GẬY VÀ CỦ CÀ RỐT"

Các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, việc chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có thuận lợi lớn nhất được chỉ ra là đã tạo dựng được nền tảng về định hướng, pháp luật, sự hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, hàng loạt những vấn đề mới nảy sinh về thể chế, hạ tầng, khoa học và công nghệ, nhận thức... đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật để đưa chủ trương, hành động mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang kinh tế xanh.

TS. Cấn Văn Lực cũng gợi mở 7 nội dung cần làm rõ tại tọa đàm để mở đường phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Một là,thách thức rào cản lớn để phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Hai là,cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn để phát triển kinh tế xanh cần ưu tiên tập trung vào: danh mục “phân loại xanh" Green Taxonomy; cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường như: tiêu chí về dự án, công trình, nhà máy xanh....; tiêu chí tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh...

Ba là, sử dụng công cụ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tài chính xanh, ngân hàng xanh ra sao, chính sách đầu tư, tiêu dùng xanh thế nào.

Ông Lực nhấn mạnh các công cụ này quan trọng là cần có cả “cây gậy và củ cà rốt”, gồm cả khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo xe điện, sáng kiến tiết kiệm năng lượng, du lịch xanh nhưng cũng cần có biện pháp, chế tài, hình phạt với doanh nghiệp phát thải ra môi trường...

Bốn là, huy động nguồn lực như thế nào, gồm vốn Nhà nước, vốn tư nhân, hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế.

Năm là, đầu tư cơ sở hạ tầng “xanh” gồm năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng, công trình xanh... Cùng với đó, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy quá trình xanh hóa.

Sáu là,kết hợp lồng ghép kinh tế số và kinh tế xanh.

Bảy là, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu...

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-gia-neu-7-giai-phap-thuc-day-tin-dung-xanh.htm