Cần nguồn tài chính riêng để phát triển khu công nghiệp sinh thái

Nhìn lại 10 năm thực hiện chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, hướng tới phát triển xanh, giảm phát thải, có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các địa phương đã đón nhận hết sức tích cực. Tuy vậy, để đầu tư khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi nguồn vốn lớn, do đó cần có nguồn tài chính riêng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư VƯƠNG THỊ MINH HIẾU đề xuất.

111

111

Doanh nghiệp đón nhận rất tích cực

- Phát triển khu công nghiệp sinh thái là chìa khóa quan trọng để hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Đây cũng là một trong những định hướng lớn của Chính phủ thời gian qua. Thời gian qua, công tác này được triển khai ra sao, thưa bà?

- Trên thế giới, khu công nghiệp sinh thái đã phát triển từ những năm 1990. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế cùng nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp để tổ chức thí điểm mô hình chuyển từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Đến nay, chúng ta đã đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2019, có 4 khu công nghiệp thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái gồm Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ). Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn đã giúp 72 doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 22.000MWh điện, 600.000m3 nước, 140TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp; giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32Kt khí CO2/năm.

Giai đoạn 2020 - 2024, mô hình khu công nghiệp sinh thái được nhân rộng thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến hết tháng 5.2024, có 90 doanh nghiệp được hỗ trợ với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 4 khu công nghiệp gồm Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai), Đình Vũ (Hải Phòng) và Hòa Khánh (Đà Nẵng), trong đó 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2; đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 3 khu công nghiệp (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

- Về hoàn thiện hành lang pháp lý cho khu công nghiệp sinh thái thì sao, thưa bà?

- Cũng trong giai đoạn này, hành lang pháp lý cho khu công nghiệp sinh thái đã dần được tạo dựng, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; trong đó xác định rõ điều kiện, tiêu chí đối với khu công nghiệp sinh thái.

Nhìn lại 10 năm thực hiện chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các địa phương đã đón nhận hết sức tích cực. Ngoài ra, những nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp với tư tưởng mới đã đề xuất nhiều dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sinh thái mới ngay từ đầu.

Sớm ban hành hướng dẫn về chứng nhận khu công nghiệp sinh thái

- Đâu là những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, thưa bà?

- Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi, như việc tái sử dụng chất thải, nước thải để thực hiện cộng sinh công nghiệp, cũng như việc tiếp cận tài chính, tín dụng, ưu đãi đối với mô hình này.

Đặc biệt, tài chính là khó khăn, thách thức lớn, bởi đầu tư cho khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn nhiều so với khu công nghiệp truyền thống. Mặc dù Nghị định số 82/2018 và Nghị định số 35/2022 đều đã có quy định về ưu đãi đầu tư, trong đó quy định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của một số quỹ, tổ chức tín dụng, cũng như được phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để huy động vốn, song thực tế việc doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn này vẫn còn khó khăn.

- Vậy theo bà, cần làm gì để tháo gỡ khó khăn này?

- Trong ngắn hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát quy định pháp lý; có ý kiến cụ thể trong sửa đổi quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, để bảo đảm sự đồng bộ, giúp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Chúng tôi cũng đang tiếp cận các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, đối tác chuyển đổi năng lượng, các quỹ đầu tư và các ngân hàng thương mại để tìm luồng riêng cho các khoản mà doanh nghiệp muốn vay để đầu tư cải thiện hệ thống sản xuất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

 Nên có nguồn tài chính riêng cho khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Thanh Thủy

Nên có nguồn tài chính riêng cho khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Thanh Thủy

Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm hoàn thiện và ban hành thông tư hướng dẫn về chứng nhận khu công nghiệp sinh thái (đang trong quá trình thẩm định). Khi thông tư có hiệu lực, các khu công nghiệp sinh thái được chứng nhận sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước, thuận lợi hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất có thêm lợi thế cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu sang các thị trường khó tính khi đáp ứng tiêu chuẩn sinh thái quốc tế.

Về dài hạn, để xử lý cốt lõi vấn đề tài chính, tín dụng, chúng tôi cho rằng cần có văn bản pháp lý cao hơn cấp nghị định để điều chỉnh các hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có quy định khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới như mô hình khu công nghiệp sinh thái.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng Luật khu công nghiệp và khu kinh tế. Vậy Bộ sẽ có định hướng như thế nào để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thưa bà?

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề cương dự thảo Luật theo nhiệm vụ được Chính phủ giao. Dự thảo Luật dự kiến sẽ đồng bộ hóa các quy định liên quan đến quản lý, xây dựng, vận hành khu công nghiệp, khu kinh tế; bảo đảm việc thể chế hóa và thực hiện được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.

Riêng với mô hình khu công nghiệp sinh thái, do các cơ chế chính sách ưu đãi đang được quy định tại pháp luật về thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng Luật định hướng bổ sung một số cơ chế chính sách ngoài thuế, tài chính, như: bổ sung các quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sinh thái cao hơn so với khu công nghiệp thông thường; bổ sung cơ chế, chính sách liên quan tín dụng, ưu đãi, các nguồn lực. Bộ cũng định hướng sẽ tháo gỡ các quy trình theo hướng thuận lợi, đơn giản hơn, có thể là quy trình vay vốn tín dụng theo luồng riêng để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khu công nghiệp sinh thái, khu kinh tế, với trọng tâm là cơ quan quản lý khu công nghiệp sinh thái, khu kinh tế tại các địa phương phải tinh gọn, đủ thẩm quyền, năng lực để hướng dẫn, quản lý, phát triển mô hình theo hướng tiệm cận với quốc tế như mô hình khu công nghiệp sinh thái hay khu thương mại tự do; đồng thời đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

- Xin cảm ơn bà!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-nguon-tai-chinh-rieng-de-phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-post390010.html