Căn nhà cổ ở miền Tây nổi tiếng khắp quốc tế, kiến trúc 'lai' 3 nước độc lạ
Trải qua nhiều thăng trầm và đổi thay của lịch sử với nhiều năm tồn tại, nhưng ngôi nhà hầu như vẫn giữ được khá nguyên vẹn với những nét kiến trúc độc đáo.
Về xứ Sa Đéc – Đồng Tháp bạn sẽ được mọi người chỉ dẫn về ngôi nhà cổ trăm năm, nổi tiếng khắp vùng sông nước miền Tây.
Lịch sử của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê), một thương gia người Hoa (gốc Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc. Căn nhà là sự kết hợp độc đáo của văn hóa và kiến trúc Á – Âu, Đông – Tây đầy ấn tượng. Về sau, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của người con ông Huỳnh Thủy Lê - con trai út ông Huỳnh Cẩm Thuận.
Địa điểm này không chỉ là nơi lưu dấu thời gian trên mảnh đất Đồng Tháp mà còn ghi lại chuyện tình của ông Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ người Pháp, Marguerite Duras. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếngNgười tình (The Lover)năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud chuyển thể thành phim L’Amant năm 1992.
Kiến trúc của căn nhà
Ban đầu, biệt phủ Huỳnh Gia được xây theo kiểu nhà ba gian Nam Bộ. Đến năm 1917 ngôi biệt thự được trùng tu toàn bộ kiến trúc bên trong. Sau lần trùng tu này, ngôi nhà mang khá nhiều nét kiến trúc hòa trộn hài hòa giữa Pháp, Việt, Hoa. Và từ đó đến nay, ngôi nhà vẫn được giữ gìn, bảo tồn khá nguyên vẹn toàn bộ kiến trúc cũ.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là sự kết hợp hài hòa giữa 2 lối kiến trúc của phương Đông và phương Tây. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất rộng 258 mét vuông nằm giữa thành phố đông đúc nép mình bên những căn nhà phố hiện đại.
Căn nhà có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, phần mái được lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái.
Mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước, trong khi vòm cửa lại thiết kế cong theo kiểu La Mã, chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muông của thế kỷ 17. Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ…, tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ngày nay
Năm 2008 Nhà cổ Huỳnh Phủ được công nhận Di tích cấp tỉnh, đến năm 2009 được công nhận Di tích cấp quốc gia. Hiện ngôi nhà thuộc quyền quản lý của công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp, và trở thành một trong những điểm du lịch đông khách ở Đồng Tháp. Mỗi năm nơi đây đón tiếp hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Vào những dịp Lễ, Tết, cuối tuần Nhà cổ Huỳnh Phủ sẽ thường có rất đông du khách đến tham quan. Nên nếu sắp xếp được thời gian, bạn nên đi vào những ngày bình thường trong tuần vắng khách, sẽ thoải mái tham quan hơn.
Có dịp đi du lịch Đồng Tháp, ghé tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, được nghe chuyện kể, du khách mới cảm nhận hết điều thi vị ẩn chứa. Từng nét kiến trúc, từng khoảng không gian nhỏ xung quanh ngôi nhà, luôn gợi cho người tham quan dễ liên tưởng về một góc ký ức đầy thổn thức nhưng dịu dàng, như tiếng thở của miền sông nước qua thời gian.