Cân nhắc chọn trường đại học khi học phí tăng

Trong bối cảnh học phí đại học đang được điều chỉnh tăng, việc chọn trường, chọn ngành được miễn, giảm học phí hoặc có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình đang là mối quan tâm lớn của nhiều học sinh, phụ huynh.

“Liệu cơm gắp mắm”

Sau khi Chính phủ chốt việc tăng học phí đại học, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí mới cho năm học 2023 - 2024. Chẳng hạn, học phí của Trường đại học Mỏ - Địa chất dự kiến tăng lên mức 12,5 - 14,5 triệu đồng/năm, học phí của Trường đại học Công thương TP.HCM dự kiến tăng lên mức 25 triệu đồng/năm, còn Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tăng mức học phí lên 780.000 đồng/tín chỉ...

Tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, mức học phí hiện tại khoảng 10,5 - 35 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Trường dự kiến giữ ổn định mức này trong năm nay và năm học tới, dù theo quy định mới, trường được phép thu 24 - 61 triệu đồng/năm (gần gấp đôi mức hiện tại), vì đã tự chủ hoàn toàn.

Tương tự, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường đại học Công thương TP.HCM, Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, chưa tăng học phí trong năm học 2023 - 2024. Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM cũng giữ nguyên mức đang thu là 10,6 - 23,1 triệu đồng/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng học phí là cần thiết, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các trường đại học cần thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ với người học. Bởi thực tế, mức tăng học phí nêu trên đã tác động không nhỏ đến việc chọn trường, chọn ngành của học sinh.

Theo PGS-TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Ngoại thương), một trong những nguyên tắc để chọn ngành, chọn trường đại học là thí sinh cần căn cứ vào năng lực tài chính của gia đình. Trên thực tế, không ít thí sinh chọn trường có mức học phí không phù hợp, nên rất áp lực khi đi học. Vì vậy, nếu ngành học mà mình yêu thích có học phí quá cao, gia đình không thể đáp ứng được về tài chính, thì các em nên cân nhắc trong việc đăng ký xét tuyển.

Nhiều giải pháp hỗ trợ sinh viên

Trước áp lực tăng học phí của nhiều ngành học, một số trường đã có các biện pháp hỗ trợ cho thí sinh. Chẳng hạn, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến dành 50 tỷ đồng cấp học bổng và các hoạt động hỗ trợ người học, tăng gần gấp đôi so với những năm trước.

Năm học này, lần đầu tiên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành 920 suất học bổng tặng học sinh THPT thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh.

Trường đại học Phenikaa tiếp tục triển khai quỹ học bổng và hỗ trợ học phí với tổng giá trị trên 50 tỷ đồng với 4 loại học bổng. Ngoài ra, hằng năm, Trường còn tài trợ học bổng toàn phần hoặc bán phần cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt, đáp ứng yêu cầu về tiếng Anh…

Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai tặng học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng có quỹ học bổng hàng tỷ đồng cấp cho sinh viên trúng tuyển vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển, gồm: vật lý, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật địa chất, địa chất học, khoa học môi trường và công nghệ kỹ thuật môi trường.

Chương trình học bổng của các trường dành cho các ngành khoa học cơ bản sẽ tạo cơ chế mở, giúp thí sinh được theo học các ngành yêu thích đi kèm với các chính sách học bổng hấp dẫn, tạo động lực để các em học tập tốt, qua đó tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định một số chuyên ngành khối sức khỏe được miễn 100% học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP cũng quy định các ngành miễn học phí cho sinh viên bao gồm: tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lê Nin, ngành lao, phong, tâm thần, pháp y tâm thần, giám định pháp y, giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

Mức giảm 70% học phí áp dụng cho sinh việc theo học một số ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cũng được giảm học phí.

Đối với khối ngành sư phạm, theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sẽ được hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).

Mộc An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-nhac-chon-truong-dai-hoc-khi-hoc-phi-tang-d210323.html