Cân nhắc kỹ khi bỏ trồng vải, nuôi rươi

Xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương) là vùng trồng vải trọng điểm của huyện, có cây vải thiều tổ 200 năm tuổi. Từ nhiều đời nay, thu nhập của người dân nơi đây đều từ sản xuất vải thiều.

Sau nhiều năm thăng trầm với cây vải, không ít hộ trồng vải đang nghĩ đến việc chuyển hướng sang sản xuất rươi, một sản vật nổi tiếng của huyện Thanh Hà nhưng lại rất mới với người dân Thanh Sơn.

Cải tạo một phần vườn vải sang làm rươi, ông Phạm Văn Thành ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn chia sẻ: “Tôi thấy thu nhập từ làm rươi cao hơn so với trồng vải. Cứ đà này thì theo tôi chỉ khoảng 5 đến 7 năm nữa là cả khu này không còn ai trồng vải, chuyển sang nuôi rươi hết”. Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Sơn cho biết thêm: “Mấy năm qua, giá bán rươi dao động rất mạnh. Năm nay sản lượng rươi nhiều, giá đầu mùa từ 340.000 đến 350.000đồng/kg, tuy nhiên càng về cuối vụ thì giá càng giảm”.

Nông dân xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương) cải tạo đầm nuôi rươi.

Nông dân xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương) cải tạo đầm nuôi rươi.

Chăm sóc dễ dàng, thuận theo tự nhiên và không tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật lẫn phân bón như trồng vải hoặc cấy lúa... nên nhiều người bỏ vải, bỏ cây vụ đông chuyển sang sản xuất rươi là điều dễ hiểu. Vì thế, dù mới phát triển nhưng đến nay, xã Thanh Sơn đã có hơn 10ha đất dành để nuôi rươi với gần 40 hộ sản xuất.

Không ngăn cản các hộ có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất song ông Nguyễn Văn Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho rằng: “Chuyển đổi mục đích phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, tức là phải có đơn đề nghị chuyển đổi diện tích trồng vải sang nuôi rươi chứ không phải mình thích làm thế nào thì làm. Việc này cũng là để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nắm được số lượng, tránh tình trạng người dân tự động chuyển đổi ồ ạt sang sản xuất rươi khiến cung vượt cầu, người thiệt thòi chính là nông dân”.

Sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nuôi rươi cũng vậy. Bà con nông dân xã Thanh Sơn hiểu rất rõ điều này. Vì vậy, phát triển hài hòa, song song cả hai loại đặc sản này sẽ là giải pháp đúng đắn nhất với người dân nơi đây. Quan trọng hơn là phải giữ gìn và phát triển thương hiệu của từng loại đặc sản để khi mất mùa vải thì được mùa rươi, giúp người dân có thu nhập và sống được bằng chính những đặc sản truyền thống.

Bài và ảnh: ĐÌNH TRUNG - THU UYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/can-nhac-ky-khi-bo-trong-vai-nuoi-ruoi-790781