Phát triển ngành bán dẫn cần bắt đầu từ R&D
Phát triển ngành bán dẫn bằng con đường đi ngay vào sản xuất chip là cực kỳ khó khăn vì các dự án như thế có những yêu cầu rất nghiêm ngặt và đòi hỏi vốn rất lớn. Với chúng ta, con đường khả thi nhất là chọn khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) để bắt đầu, trong đó quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực dồi dào để đáp ứng được nhu cầu.
(KTSG) – Phát triển ngành bán dẫn bằng con đường đi ngay vào sản xuất chip là cực kỳ khó khăn vì các dự án như thế có những yêu cầu rất nghiêm ngặt và đòi hỏi vốn rất lớn. Với chúng ta, con đường khả thi nhất là chọn khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) để bắt đầu, trong đó quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực dồi dào để đáp ứng được nhu cầu.
Trên thực tế, các hãng sản xuất chip lớn trên thế giới đã bắt đầu lựa chọn Việt Nam như một trong những địa điểm để tập trung xây dựng các hoạt động R&D, qua đó phát hiện nguồn nhân lực, đào tạo chuyên sâu để chuẩn bị cho các dự án tương lai.
Trong một bài viết trên tờ Nikkei Asia, các tác giả mô tả cách các công ty Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan đang mở rộng việc tuyển dụng nhân lực ở Việt Nam cho các hoạt động R&D trong ngành bán dẫn, như hãng Marvell (Mỹ) dự tính nâng tổng số kỹ sư Việt Nam họ tuyển dụng lên 500 người vào năm 2026 hay hãng Synopsys (Mỹ) hiện đang có hơn 500 nhân sự ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội.
BOS Semiconductors (Hàn Quốc) vào Việt Nam từ năm 2022, ban đầu chỉ dự tính làm văn phòng hỗ trợ, nhưng chất lượng nhân viên họ tuyển được thuyết phục họ chuyển sang hoạt động R&D, chủ yếu thiết kế chip AI cho xe tự lái. Alchip Technologies (Đài Loan) đang có kế hoạch mở rộng trung tâm R&D ở Việt Nam trong vòng hai, ba năm tới…
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các trung tâm R&D như thế, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo ít nhất là 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, nhưng một mình các trường đại học Việt Nam không thể đảm đương nổi nhu cầu này. Cách tốt nhất là đề ra những chính sách khuyến khích các công ty bán dẫn lớn trên thế giới tham gia đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học với lời hứa hẹn họ sẽ được quyền tuyển dụng chính những người họ góp phần đào tạo. Chính phủ các nước như Mỹ có hẳn những chính sách phát triển ngành bán dẫn với chuỗi cung ứng mới nhằm chủ động hơn trong sản xuất. Chúng ta có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới này, trước mắt bằng con đường hợp tác đào tạo nhân lực.
Ngay từ bây giờ, chúng ta phải chủ động có một chiến lược toàn diện để xây dựng nền tảng cho một ngành bán dẫn trong tương lai, trong đó đào tạo nhân lực là ưu tiên hàng đầu. Các sáng kiến như thành lập các quỹ học bổng lớn cho sinh viên ngành bán dẫn, thương lượng với các nước để tìm nguồn học bổng du học trong ngành bán dẫn và công khai các dự án hợp tác như thế để sinh viên chủ động tham gia, thúc đẩy các trường đại học cử người đi đào tạo chuyên sâu để làm giảng viên… cần được sớm hình thành và xúc tiến.
Cuộc cạnh tranh thu hút các dự án trong ngành bán dẫn đang diễn ra gay gắt, nhất là giữa các nước châu Á như Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam. Thiết nghĩ với ngành bán dẫn, cái nhà đầu tư cần không phải là chính sách giảm, miễn thuế. Cái họ cần hơn cả là một nguồn nhân lực trẻ, có tiềm năng, chịu khó học hỏi, biết cầu tiến. Trên nền tảng R&D, với một nguồn nhân lực dồi dào, chúng ta có thể mở rộng ra các dự án lắp ráp, kiểm tra, đóng gói (ATP) chip.
Điều đáng mừng là sự chuyển động của Việt Nam, từ Chính phủ, các ngành đến các trường đại học, cộng đồng doanh nghiệp đều đang hướng đến việc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn với một nỗ lực và quyết tâm cao; việc Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 791/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là một minh chứng.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phat-trien-nganh-ban-dan-can-bat-dau-tu-rd/