Cân nhắc kỹ khi đưa bệnh viện tuyến Trung ương về Hà Nội quản lý

Theo đại diện lãnh đạo một số các bệnh viện, việc tiếp tục để các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội trực thuộc Bộ Y tế quản lý là phù hợp với sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên toàn quốc.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện kỹ thuật lấy và ghép tạng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện kỹ thuật lấy và ghép tạng.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập chuyển các bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học. Trước thông tin này, mới đây, Bộ Y tế đã làm việc với lãnh đạo các bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội để ghi nhận ý kiến của các đơn vị.

Cần khẳng định vị thế bệnh viện đầu ngành, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư nhưng vẫn có 20-30% bệnh viện công do Chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.

Hiện nay, các bệnh viện tuyến Trung ương nói chung không chỉ làm công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, mà còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về Việt Nam, triển khai thành công trước khi chuyển giao cho tuyến dưới…

Do đó, nếu là đơn vị trực thuộc Bộ, các bệnh viện này sẽ có vị thế hơn trong việc hợp tác quốc tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía bắc, nắm bắt tâm tư của nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận thấy các đơn vị đều đề nghị bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cũng cho rằng, vai trò của Bộ Y tế là quản trị ngành y tế cả nước. Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, có cả hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối, có tầm ảnh hưởng quốc tế và quan hệ quốc tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ còn là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài phát triển công tác chuyên môn phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân, các bệnh viện tuyến cuối như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương... còn có vai trò đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh, trong đó có nhiều có cơ sở như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nếu các bệnh viện này không còn do Bộ Y tế trực tiếp quản lý, chuyển về Hà Nội, công tác đào tạo và chuyển giao tuyến dưới sẽ hạn chế.

Đề xuất tiếp tục do Bộ Y tế quản lý

Tại cuộc họp của Bộ Y tế với các đơn vị trực thuộc vào cuối tháng 7, lãnh đạo các bệnh viện và vụ, cục đều thống nhất quan điểm cần thiết giữ lại là các đơn vị trực thuộc, do Bộ Y tế quản lý trên địa bàn Hà Nội.

Theo các chuyên gia, hiện cả nước có 1.500 bệnh viện, nhưng Bộ Y tế chỉ quản lý khoảng 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành (chiếm khoảng 2%). Trong khi đó, Hà Nội quản lý hơn 100 bệnh viện công và tư cùng với hơn 4.000 phòng khám và hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị, các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm…

Nếu điều chuyển các bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý sẽ có nhiều vấn đề chồng chéo. Một là, sẽ ảnh hưởng tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế, thí dụ như đại dịch Covid-19 vừa qua. Theo đó, thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.

Bên cạnh đó, theo mô hình Bộ Y tế quản lý hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các bệnh viện đầu ngành là cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh khó khăn. Nếu theo mô hình do Hà Nội quản lý, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô, dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội, vùng Thủ đô với những tỉnh trung du, miền núi.

Tại cuộc làm việc với các bệnh viện, đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng phân tích, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành là những cơ sở đầu tiên tiếp cận với y học quốc tế. Các bệnh viện là của Bộ Y tế sẽ mang tầm quốc gia, sẽ có vị thế lớn trong việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước phát triển trên thế giới, sau tiếp nhận sẽ chuyển giao cho tuyến dưới được thuận lợi hơn. Do đó, việc để các cơ sở y tế này tiếp tục do Bộ quản lý là hợp lý.

Ngày 1/8, tại Hội thảo đóng góp ý kiến Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị đưa ra khỏi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nội dung “chuyển bệnh viện Trung ương cho Hà Nội quản lý”.

Theo Thứ trưởng Y tế, việc chuyển các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Để bệnh viện Trung ương cho Bộ Y tế quản lý phù hợp Nghị quyết 30/2022 của Bộ Chính trị.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-nhac-ky-khi-dua-benh-vien-tuyen-trung-uong-ve-ha-noi-quan-ly-post765421.html