Cần nhiều giải pháp nâng chất khởi nghiệp học đường

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT vào cuối năm 2024, cả nước hiện có hơn 120 trường đại học đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo...

Dự án khởi nghiệp Bộ khớp đa năng - Hỗ trợ cho người khuyết tật vận động chi trên của sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM đang được hỗ trợ để thương mại hóa. Ảnh: Xuân Dung

Dự án khởi nghiệp Bộ khớp đa năng - Hỗ trợ cho người khuyết tật vận động chi trên của sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM đang được hỗ trợ để thương mại hóa. Ảnh: Xuân Dung

Theo các chuyên gia giáo dục, để đào tạo khởi nghiệp trong môi trường học đường hiệu quả, cần chuyển từ phong trào sang chính sách hóa với những cơ chế “đồng hành” về tài chính, không gian sáng tạo, khu nghiên cứu chế tạo, hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư… để nâng chất khởi nghiệp.

Chưa thực chất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT vào cuối năm 2024, cả nước hiện có hơn 120 trường đại học đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, nhiều nơi triển khai chương trình khởi nghiệp theo kiểu “phong trào”, chủ yếu dừng lại ở các cuộc thi và hội thảo. Điều cốt lõi là đưa khởi nghiệp thành một phần gắn bó chặt chẽ với đào tạo nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học thì chưa được chú trọng.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) nhìn nhận khởi nghiệp ở học đường thường mang tính phong trào. Nhiều trường đại học, THPT triển khai các hoạt động khởi nghiệp chủ yếu để hưởng ứng các chủ trương, chỉ đạo từ cấp trên hoặc theo đợt thi đua. “Các cuộc thi khởi nghiệp thường diễn ra rầm rộ vào một số thời điểm, nhưng sau đó thiếu sự tiếp nối, theo dõi để hỗ trợ phát triển các ý tưởng này”, ông Sơn nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh, phần lớn các trường đại học chưa tích hợp khởi nghiệp vào chiến lược đào tạo tổng thể. Hoạt động khởi nghiệp chưa gắn chặt chương trình học, chưa được đánh giá trong khung năng lực đầu ra và thiếu liên kết thực tế lâu dài với doanh nghiệp. Đặc biệt, các ý tưởng khởi nghiệp thiếu hệ sinh thái hỗ trợ.

“Nhiều trường chưa xây dựng được các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm, mạng lưới cố vấn... Việc liên kết các quỹ đầu tư cho dự án khởi nghiệp chủ yếu dựa vào mối quan hệ cá nhân chứ chưa có sự tham gia chính thức của trường đại học”, ông Sơn thông tin.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), đánh giá mục tiêu cốt lõi của khởi nghiệp học đường là giúp sinh viên hình thành tư duy khởi nghiệp, rèn luyện tinh thần đổi mới sáng tạo và bản lĩnh đối mặt với thử thách từ sớm - những tố chất cần thiết cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Chính những phong trào khởi nghiệp học đường đóng vai trò quan trọng để khơi dậy niềm hứng thú và tinh thần khởi nghiệp trong các bạn trẻ, từ đó từng bước nuôi dưỡng năng lực và sẵn sàng phát triển một dự án khởi nghiệp khi điều kiện chín muồi”, bà Dung nói.

Tuy nhiên, để khởi nghiệp học đường phát huy vai trò thực chất và hiệu quả hơn, không chỉ nhà trường mà còn cần sự phối hợp hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tham gia với vai trò cố vấn hoặc nhà đầu tư, hỗ trợ các dự án/sản phẩm khởi nghiệp phát triển tính ứng dụng thực tiễn, nâng cao khả năng thương mại hóa và tiếp cận thị trường.

 Dự án “SELF - Ứng dụng giáo dục dành cho trẻ tự kỷ” của nhóm sinh viên Trường Đại học Văn Lang giành giải Nhất Cuộc thi khởi nghiệp “Ra Khơi 2025”. Ảnh: VLU

Dự án “SELF - Ứng dụng giáo dục dành cho trẻ tự kỷ” của nhóm sinh viên Trường Đại học Văn Lang giành giải Nhất Cuộc thi khởi nghiệp “Ra Khơi 2025”. Ảnh: VLU

Xây dựng hệ sinh thái toàn diện

Theo các chuyên gia giáo dục, để đào tạo khởi nghiệp ở học đường hiệu quả, không thể chỉ dạy trong lớp. Cần có không gian sáng tạo, khu nghiên cứu chế tạo, hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư… thậm chí là các buổi chia sẻ của chuyên gia về những thất bại trong khởi nghiệp để học sinh, sinh viên “học cách đứng dậy”.

Điển hình, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã thành lập Trung tâm Sáng tạo Khởi nghiệp và Chuyển giao Công nghệ, với không gian làm việc chuyên biệt như Maker Innovation Space và Beehive Incubator. Tại đây, sinh viên được hỗ trợ từ ý tưởng đến sản phẩm, bao gồm hỗ trợ tài chính, cố vấn kỹ thuật, đào tạo gọi vốn và kết nối doanh nghiệp.

Nhờ đó, nhiều dự án khởi nghiệp từ trường đã gây tiếng vang, như máy dọn rác thông minh, thiết bị trợ giúp người khuyết tật, phần mềm ứng dụng trong nông nghiệp thông minh… Một số dự án không chỉ giành giải thưởng cao, mà còn thương mại hóa thành công và kêu gọi được đầu tư.

Tương tự, tại HUTECH luôn chú trọng tạo môi trường thuận lợi để sinh viên thử sức khởi nghiệp ngay từ giảng đường. Cụ thể, khi tham gia các ý tưởng/dự án khởi nghiệp dù ở cấp khoa hay trường, sinh viên được hướng dẫn bởi các mentor là doanh nhân, chuyên gia khởi nghiệp thành công thông qua các hội thảo, workshop, talkshow kết nối để nắm bắt quy trình thực hiện một dự án khởi nghiệp.

“Sinh viên được tham gia những buổi triển lãm để giới thiệu sản phẩm startup, khảo sát thị trường nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án, đáp ứng thực tiễn thị trường hoặc thị hiếu người tiêu dùng và có cơ hội kết nối với nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp hay các doanh nhân”, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, cho rằng để khởi nghiệp học đường đi vào thực chất, từng trường cần xây dựng lộ trình tích hợp khởi nghiệp vào đào tạo, phát triển các học phần chuyên sâu như đổi mới sáng tạo, pháp lý, marketing, quản trị. Đồng thời, cần mở rộng liên kết với doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức mentor.

“Khởi nghiệp học đường chỉ có thể phát triển bền vững khi có hệ sinh thái phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước, đảm bảo đủ vốn, cơ chế, kết nối và đào tạo xuyên suốt từ ý tưởng đến thương mại hóa”, ông Quỳnh đánh giá.

Cần thêm nhiều chính sách “đồng hành”

Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUIT, kiến nghị tích hợp khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thiết kế các học phần bắt buộc/tùy chọn với chuẩn đầu ra cụ thể. Các học phần nên dựa trên mô hình “Project-based learning” hoặc “Learning by doing”, để sinh viên thực hành xây dựng dự án thật. “Người dạy phải có trải nghiệm thực tế về khởi nghiệp thì mới đủ tiêu chuẩn giảng dạy”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn đề xuất cần có các giải pháp hỗ trợ sau cuộc thi khởi nghiệp. “Hỗ trợ sau thi rất quan trọng, cần giúp các nhóm triển khai sản phẩm, tư vấn pháp lý, kế hoạch tài chính và thương mại hóa sản phẩm. Đặc biệt, cần có ngân sách riêng cho hoạt động khởi nghiệp và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ vào các vườn ươm, dự án sinh viên. Có thể thành lập quỹ khởi nghiệp với sự góp vốn từ nhà trường, doanh nghiệp, cựu sinh viên”, ông Sơn đề xuất.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông HUTECH, nhấn mạnh cần đưa tư duy khởi nghiệp vào chương trình đào tạo một cách bài bản. Để làm được điều này, cần sự đồng hành của doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ các dự án/sản phẩm khởi nghiệp phát triển tính ứng dụng thực tiễn, nâng cao khả năng thương mại hóa và tiếp cận thị trường.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, nhận định khởi nghiệp học đường sẽ khó phát triển nếu thiếu cơ chế tài chính đủ mạnh và đào tạo gắn với thực tiễn. “Nhà nước nên dành tỷ lệ ngân sách rõ ràng trong tổng chi giáo dục để hỗ trợ vốn mồi, ươm tạo và miễn giảm thuế cho các startup học đường. Đồng thời, cần mở rộng gói vay ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, quỹ đầu tư xã hội tham gia tài trợ và mentoring cho sinh viên”, ông Quỳnh đề xuất.

Về đào tạo, ông Quỳnh kiến nghị tích hợp nội dung khởi nghiệp thành học phần chính quy, cấp chứng chỉ, và phát triển chương trình chuyên sâu về gọi vốn, xây dựng mô hình kinh doanh, marketing… Sinh viên nên được tiếp cận mentor dài hạn, thực tập tại startup và tham gia các dự án thực chiến thay vì chỉ học lý thuyết.

“Mỗi trường cần chủ động xây dựng vườn ươm nội bộ và liên kết với doanh nghiệp, viện nghiên cứu để hình thành hệ sinh thái liên ngành, dẫn dắt khởi nghiệp từ ý tưởng đến thị trường”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Số liệu của Bộ GD&ĐT, từ năm 2020 - 2024, học sinh - sinh viên trên cả nước đã thực hiện hơn 42.500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong khuôn khổ các cuộc thi và chương trình hỗ trợ. Trong đó, gần 300 doanh nghiệp được ươm tạo, 12 doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư, cao nhất là 1 tỷ đồng/dự án.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-nhieu-giai-phap-nang-chat-khoi-nghiep-hoc-duong-post738995.html