Du lịch xanh đón đầu thị hiếu

Nắm bắt được xu hướng thay đổi về sở thích của du khách, thời gian gần đây, nhiều đơn vị lữ hành du lịch đã nhanh chóng thay đổi một loạt các gói sản phẩm, phát triển các loại hình mới như du lịch xanh, du lịch cộng đồng... đi vào chiều sâu trải nghiệm, đặc biệt là hướng tới môi trường và sức khỏe.

Du lịch xanh để phát triển bền vững

Báo cáo của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, ngành du lịch liên quan đến giao thông vận tải, lưu trú, tham quan, mua sắm... nên ảnh hưởng nhiều đến môi trường về khí thải, rác thải... Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 500 triệu tấn CO2. Để dễ hình dung, TS Lương Quang Huy (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nêu ví dụ cụ thể, một gia đình với 4 người ở Hà Nội vào TPHCM du lịch vài ngày rồi trở lại Hà Nội sẽ xả thải ra môi trường khoảng 1 - 2 tấn CO2. Nói như vậy để thấy du lịch tác động rất nhiều đến môi trường sống. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch vẫn sử dụng năng lượng hóa thạch thay vì năng lượng tái tạo. Yêu cầu hiện nay là cần chuyển dịch, chuyển đổi phát triển theo hướng du lịch xanh.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: H.L

Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: H.L

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện nay, rất nhiều DN du lịch, lữ hành đã thực hành các chiến lược xanh với những giải pháp rất cụ thể. Điều này tạo nên một xu thế, với những đóng góp tiêu biểu cho du lịch xanh của Việt Nam được thực tiễn hơn. Trong khi đó theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, có đến 83% du khách khi được khảo sát mong muốn đến những điểm đến du lịch xanh, sạch hơn và 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận.

Chia sẻ dưới góc độ DN, bà Nguyên Anh - CEO iVietnam Travel cho hay, thời gian qua đơn vị đưa vào khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Net Zero tour”. Lộ trình để chuyển đổi “Net Zero tour” bao gồm 3 bước, tính toán được chính xác lượng khí thải mà chuyến đi tạo ra; cắt giảm lượng khí thải carbon; bù đắp lượng khí thải carbon bằng việc trồng thêm cây xanh. Theo đó du khách sẽ bắt đầu hành trình bằng phương tiện chuyển đổi xanh, sử dụng chai thủy tinh thay cho chai nhựa, sử dụng túi vải thay cho túi nilon. Chi phí cho sản phẩm du lịch này cao hơn tour truyền thống trung bình từ 10 - 15%, song giá trị mang lại rất lớn như, giảm lượng phát thải rác ra môi trường; xây dựng một cộng đồng du lịch bền vững ngay tại địa phương; thay đổi tư duy khách hàng...

Sự đa dạng này của tour du lịch xanh không chỉ mở rộng lựa chọn cho du khách, hay tăng cơ hội phát triển sản phẩm cho các địa phương, mà còn hướng DN tới phát triển bền vững.

Cần sự hỗ trợ rõ ràng từ chính sách

Theo TS Lương Quang Huy, Việt Nam muốn phát triển du lịch xanh cần mở rộng các DN đã triển khai hoạt động xanh hóa để họ chia sẻ kinh nghiệm du lịch ra sao, triển khai thế nào để cả cộng đồng DN cùng tham gia thực hiện.

Đối với các cơ quan chức năng, để hoàn thành mục tiêu hướng đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0 thì phải có những chính sách, ưu đãi để vận động DN cùng chung tay giảm khí thải CO2, ưu tiên sử dụng điện gió, sử dụng điện mặt trời cho hoạt động du lịch... Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; khách sạn, nhà hàng cam kết giảm thiểu chất thải; phát triển giao thông công cộng, giao thông điện... đẩy mạnh phát triển du lịch xanh theo hướng này để tăng tính hiệu quả cao.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, nhiều sản phẩm du lịch hiện nay chỉ đang tìm cách “nhuộm xanh” để bắt kịp xu hướng. Các đơn vị tổ chức đôi khi chỉ đơn giản là trồng một vài chậu cây, cấm sử dụng túi nylon, rồi gọi đó là “du lịch xanh”.

Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, chỉ khoảng 15% cơ sở lưu trú và điểm đến tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường ở mức cơ bản. Trong đó, các mô hình nổi bật như Cù lao Chàm, Pù Luông đều đi theo hướng tự thân vận động mà thiếu hỗ trợ rõ ràng từ chính sách.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Dương Trung Hiếu - Tổng Giám đốc Vietourist Holdings, sự chuyển hóa trong nhu cầu của ngành du lịch là cơ hội, nhưng cũng là thách thức. Do vậy DN buộc phải sàng lọc lại sản phẩm, đầu tư sâu vào trải nghiệm. Du lịch xanh, du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại giá trị lâu dài cho du lịch Việt Nam. Để ngành du lịch không bị tụt hậu, cần có một chiến lược tổng thể với những trụ cột rõ ràng. Trước hết là một khung pháp lý chính thức về du lịch xanh, với bộ tiêu chí quốc gia có thể tham khảo từ các mô hình quốc tế.

MINH QUÂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-lich-xanh-don-dau-thi-hieu-10310062.html