Cần những đột phá mới trong thực thi FTA tại địa phương

Chia sẻ tại tọa đàm 'Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA' diễn ra ngày 31/10, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc thực thi FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã mang lại kết quả tích cực thời gian qua, song mức độ tận dụng ở các địa phương không đồng đều, cùng với đó, việc khai thác các FTA tại các địa phương còn nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp đột phá mới.

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, giúp tăng trưởng kim ngạch và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu (XNK), thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê, tổng kim ngạch XNK của 5 thành phố trực thuộc trung ương với các thị trường có FTA trong giai đoạn 2021-2022 ước đạt 449 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu (XK) ước đạt 189,5 tỷ USD. Riêng kim ngạch XK của 5 thành phố với các thị trường CPTPP đạt 79,75 tỷ USD, thị trường EVFTA đạt 14,18 tỷ USD trong 2 năm 2021-2022.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra năm 2022, có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động XK sang thị trường CPTPP và 49/63 tỉnh, thành phố có hoạt động XK sang thị trường EVFTA, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Tương tự, có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động XK sang thị trường UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021.

Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường FTA.

Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường FTA.

Ông Ngô Chung Khanh cho biết, 5 thành phố trực thuộc trung ương tận dụng các FTA rất tốt, với sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền. Cùng với đó, doanh nghiệp (DN) trong nước và DN đầu tư nước ngoài kết nối hiệu quả, tham gia ngày càng nhiều vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ trọng của các thị trường FTA thế hệ mới như EU, Canada, Mexico hay là Vương quốc Anh trong tổng kim ngạch XNK của nhiều địa phương còn khiêm tốn. Có những tỉnh chưa đến 10%, còn có những tỉnh nhiều hơn khoảng 20% nhưng tính trung bình (kể cả cấp độ quốc gia đối với EU) thì khoảng 20%, còn đối Canada, Mexico trung bình thì 1,4% - 1,5%, Vương quốc Anh là 1,35%. “Tiềm năng khai thác các thị trường này rõ ràng còn rất lớn”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, còn có những khác biệt giữa các địa phương với nhau trong khai thác FTA. Chẳng hạn như Cần Thơ rất tích cực mời các chuyên gia để tham gia trình bày cho cộng đồng DN và cũng như mời các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng DN trong những vấn đề mà DN gặp phải khi thực thi các FTA nhưng ở các địa phương khác thì sự quan tâm đối với các FTA thế hệ mới thì dường như không đều.

“Tôi đã từng đến một số địa phương và khi hỏi về những hiệp định như CPTPP và EVFTA thì DN cũng nói thật, sự quan tâm của họ đang làm thế nào để tháo gỡ được những khó khăn trước mắt, còn đối với họ thì những hiệp định EVFTA hay CPTPP vẫn được các chuyên gia nói là có vẻ như tiêu chuẩn rất cao và vẫn là một thứ gì đó rất xa vời. Bởi vì bản thân một số DN còn chưa quan tâm đúng mức thì rõ ràng việc thực thi ở địa phương cũng có phần bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Anh Dương nói.

Để thực thi việc khai thác hiệu quả các FTA, Bộ Công Thương định hướng giúp các tỉnh, thành phố xây dựng, kết nối về hệ sinh thái của các mặt hàng và giữa các tỉnh có cùng mặt hàng chiến lược. Ví dụ như hệ thống một chuỗi các tỉnh có chè, gồm có: Lai Châu, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai; về quế có Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam… Quan trọng hơn cả là các tỉnh có sản phẩm tương đồng phải có chính sách phát triển chung, nhất quán, chứ không làm riêng rồi cạnh tranh với nhau.

Về phía địa phương, bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho hay, tính trung bình trong ba năm gần đây, tăng trưởng XK của Thái Bình đạt được khoảng 14,3%. Một số mặt hàng đã tận dụng tốt được các FTA, kể cả là EVFTA như là mặt hàng may mặc, thủy sản, giày da…

“Để có được kết quả đó, ngoài năng lực và sự chủ động của DN còn có những sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN để đẩy mạnh tận dụng các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết”, bà Tô Thị Hương Lan nói.

Để khắc phục những bất cập trong thực thi FTAs, các địa phương đề xuất thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin về các FTA và thị trường các nước đã ký kết FTA. Trong đó, tập trung xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề đáp ứng các điều kiện hạn chế các rào cản phi thuế quan từ các nước; phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức hoạt động kết nối, xúc tiến, qua đó giúp DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đồng thời thông tin cập nhật những thay đổi chính sách của đối tác, phản ứng của thị trường để kịp thời có các giải pháp, đối sách hỗ trợ, định hướng DN cho phù hợp. Những thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ trung ương đến địa phương cũng như những đột phá để gia tăng hơn nữa cơ hội từ các FTA.

Để khai thác hiệu quả các FTA, đẩy mạnh XK, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ DN tận dụng FTA. Bộ phối hợp, thống nhất phương pháp thống kê số liệu về đầu tư, XNK liên quan đến thực thi các FTA cũng như cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ, liên kết giữa các địa phương nhằm tận dụng hiệu quả các FTA. Đặc biệt, Bộ đang hoàn thiện và tiến tới công bố bộ chỉ số đánh giá việc thực thi các FTA của các địa phương (FTA Index) vào cuối năm nay.

“Chúng tôi hy vọng, bộ chỉ số FTA Index sẽ giúp các tỉnh, thành phố cả nước đo lường kết quả thực thi FTA, từ đó quan tâm hơn nữa việc tận dụng các FTA thời gian tới”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/can-nhung-dot-pha-moi-trong-thuc-thi-fta-tai-dia-phuong-i712345/