Cần phát huy hơn nữa mối quan hệ giữa địa phương với Chính phủ và các bộ, ngành
Phát biểu thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Bình Dương) sáng nay, 13.2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cơ chế hiện nay là cần phát huy các sáng kiến, đề xuất của các địa phương; mối quan hệ giữa địa phương với Chính phủ và với các Bộ.
Thể hiện rõ nét hơn nội dung về phân cấp, phân quyền, ủy quyền
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, những quy định liên quan đến vấn đề phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tuy là những quy định mới nhưng cũng đã được đúc rút, tổng kết từ thực tiễn thời gian qua và có những việc trước đây đã thực hiện và thực tiễn hiện nay đòi hỏi phải quy định rõ trong luật.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51466015/e27b04473409dd578418.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, các dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã thể hiện rõ nét hơn thế nào là phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Theo đó, khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định “Phân quyền là việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương trong luật, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Luật này và Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.
Khoản 5, Điều 6 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ; lãnh đạo công tác của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
Cũng theo dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người phân cấp. Cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết khi quyết định phân cấp.
![Quang cảnh thảo luận Tổ 19. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51466015/c1112a2d1a63f33daa72.jpg)
Quang cảnh thảo luận Tổ 19. Ảnh: Hồ Long
Tương tự, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng đã có một chương riêng, quy định cụ thể về phân định thẩm quyền, phân cấp và nêu rõ, việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải được quy định trong luật, trong đó xác định rõ chủ thể thực hiện, rõ nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cơ chế hiện nay là cần phải phát huy các sáng kiến, đề xuất của các địa phương; mối quan hệ giữa địa phương với Chính phủ cũng như giữa địa phương với các Bộ.
Cần xem xét đối với chủ thể ủy quyền
Khẳng định việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền là những nội dung quan trọng trong cải cách bộ máy nhà nước nói chung cũng như cải cách nền hành chính quốc gia nói riêng, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhận thấy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể được phân cấp, ủy quyền và đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền; quy định rõ hơn yêu cầu về trách nhiệm từ cả hai phía trong việc phân cấp, ủy quyền.
![ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51466015/9b2d6911595fb001e94e.jpg)
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp là rất cần thiết.
Song, vì nội dung này có liên quan đến rất nhiều các luật khác trong hệ thống pháp luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định có liên quan trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) về cách thức quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, về phân quyền, phân cấp, ủy quyền cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền, đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền, phương thức cũng như điều kiện bảo đảm thực hiện.
Tại khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định “Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo quy định tại Điều 14, Điều 15 của Luật này, trừ trường hợp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền”.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lại phân cấp cho chính quyền địa phương quy định: “UBND cấp tỉnh, cấp huyện được phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp”.
“Như vậy, khoản 1, Điều 14 không quy định HĐND được phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp để thuận tiện cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện. Tương tự, cần xem xét đối với chủ thể ủy quyền tại Điều 15 để bảo đảm thống nhất với khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật”, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị.
![ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51466015/73098935b97b5025096a.jpg)
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cũng quan tâm đến dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu rõ, điểm c khoản 2 Điều 15 quy định “Không ủy quyền các nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan ủy quyền và các nhiệm vụ ủy quyền dẫn đến thay đổi thủ tục hành chính quy định trong văn bản quy phạm pháp luật”.
Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc thêm đối với các nhiệm vụ ủy quyền dẫn đến thay đổi thủ tục hành chính quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, có thể thực hiện thí điểm cho việc thực hiện một số thủ tục hành chính để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Liên quan đến Khoản 1, Điều 16 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị bổ sung nội dung “được ban hành các chính sách đặc thù nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh để phù hợp với điều kiện tại địa phương”.