Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, từ ngày 4/4 tới, các đơn vị liên quan triển khai phương án điều tiết xe tải lớn hơn 6 trục (30 tấn), xe sơmi-rơ moóc (xe container), xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn mà được phân luồng đi trên QL1A.

Cao tốc Cam Lộ La Sơn và đường tránh Huế chạy song song có nét tương đồng

Cao tốc Cam Lộ La Sơn và đường tránh Huế chạy song song có nét tương đồng

Từ cuối năm 2022, cao tốc Cam Lộ- La Sơn đưa vào hoạt động, giảm tải áp lực phương tiện giao thông qua QL1A ở địa bàn Thừa Thiên Huế.

Theo Ban ATGT tỉnh, trong năm 2023 có 2.500-3.500 xe/ngày đêm; đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2/2024, có 5.000-6.000 xe/ngày đêm (tăng 100%); góp phần chia sẻ, giảm tải cho QL1A tuyến tránh TP. Huế 30-40% về cả lưu lượng, số vụ TNGT.

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đang bổ sung điều chỉnh sơn kẻ làn đảm bảo ATGT

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đang bổ sung điều chỉnh sơn kẻ làn đảm bảo ATGT

Với tính chất là tuyến giao thông trọng điểm trên trục Bắc- Nam, kết nối liên thông các tỉnh miền Trung nhưng do khó khăn về nguồn lực, cao tốc Cam Lộ- La Sơn được phân kỳ đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1. Gần đây, nhiều người quan ngại khi trên cao tốc bộc lộ nhiều hạn chế, liên tục xảy ra TNGT, nhất là 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết.

Ngày 27/3 vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã họp bàn phương án tổ chức lại giao thông, nhằm bảo đảm ATGT trên tuyến. Dịp này, ngoài chỉ đạo các ban, ngành đơn vị liên quan rà soát bổ sung hoàn thiện hệ thống ATGT trên tuyến, BQL DA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn) đề xuất phương án cấm xe khách trên 30 chỗ, đầu kéo, xe tải nặng từ 6 trục trở lên lưu thông vào cao tốc Cam Lộ- La Sơn, dồn các phương tiện này sang QL1A.

Phương án này đưa ra dựa trên cơ sở rà soát hiện trạng tuyến đường, kiểm đếm lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn và QL1A do Công ty CP Tư vấn Trường Sơn thực hiện.

Cụ thể trong các ngày 15,16,17/3, đơn vị này tổ chức đếm xe ở trên cao tốc Cam Lộ- La Sơn. Kết quả, lưu lượng trung bình trên tuyến khoảng 4.216 xe/ngày đêm, trong đó xe có tải trọng nặng (xe đầu kéo và xe khách lớn) chiếm gần 50% trong tổng số xe lưu thông trên cao tốc. Đơn vị tư vấn nhận định, với lưu lượng xe hiện nay, tuyến cao tốc đã đạt đến năng lực lưu thông hành (mãn tải) của tuyến.

Nhiều đoạn QL1A qua địa bàn Thừa Thiên Huế quá tải vào giờ cao điểm

Nhiều đoạn QL1A qua địa bàn Thừa Thiên Huế quá tải vào giờ cao điểm

Trong khi đó, với tuyến QL1A song song với cao tốc này, ghi nhận lưu lượng xe khoảng 17.278 xe/ngày đêm, nhưng tỷ lệ xe tải nặng chỉ chiếm 37%. Đặc biệt, với quy mô hiện nay của QL1A, còn khoảng 6.000 xe con quy đổi/ngày đêm nữa mới mãn tải. Từ thực tế này, đơn vị tư vấn đưa ra các phương án, cấm xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng trên 4 trục lưu thông trên tuyến cao tốc; Cấm các xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng trên 5 trục lưu thông trên tuyến cao tốc; Cấm các xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng trên 6 trục (tổng tải trọng trên 30 tấn) lưu thông trên tuyến cao tốc; Cấm các xe đầu kéo, xe tải nặng trên 6 trục lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn…

Theo số liệu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trên thực tế, QL1A hiện nay khai thác 4 làn xe, lưu lượng tham gia từ 10.000 đến 11.000 xe/ngày đêm, có dấu hiệu quá tải. Thống kê từ Ban ATGT tỉnh cũng cho thấy, số người chết do tai nạn giao thông trên đoạn QL1A này giai đoạn 2020-2023 là 219 người. Cụ thể: Năm 2020 tai nạn làm 54 người chết, năm 2021 là 45 người chết, năm 2022 làm 80 người chết và năm 2023 có 40 người chết.

Trước khi toàn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Hòa Liên được đưa vào khai thác, tình hình TNGT ở Thừa Thiên Huế thường xảy ra trên QL1A, chiếm 40-50% số vụ. Sau khi cao tốc này đi vào hoạt động, số vụ TNGT xảy ra trên QL1A qua địa bàn tỉnh giảm (chiếm 18-20%). Điều quan ngại là hiện nay, tuyến tránh Huế thuộc QL1A dài hơn 35km, điểm đầu tại phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) và điểm cuối kết thúc tại phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy) chỉ có 2 làn đường, giữa không có dải phân cách cứng, nhiều đoạn quanh co, mặt đường xuống cấp, hư hỏng... Trên đường có nhiều loại phương tiện tham gia lưu thông nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Trước đây, trên tuyến tránh Huế xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Anh Lê Văn Tùng, lái xe ở TP. Huế chia sẻ, đường tránh Huế có nhiều điểm hằn lún, xuống cấp nên khi lưu thông trên tuyến phải tập trung, nhất là các xe máy xe tải chở vật liệu phóng nhanh, vượt ẩu dễ gây TNGT.

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn góp phần giảm tải trên QL1A qua địa bàn Thừa Thiên Huế

Các chuyên gia giao thông nhận định, QL1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế được đầu tư xây dựng 4 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa đã xảy ra tình trạng mặt đường hư hỏng, bong tróc, nhất là vào mùa mưa lũ. Áp lực phương tiện giao thông hiện nay đã gia tăng trên tuyến này khá lớn. Trong khi đó, tuyến dài hơn 110km lại có hơn 200 điểm đấu kết nối với các đường tỉnh, đường nhánh và tiếp giáp với hơn 45 điểm cổng trường học vào giờ tan tầm lượng học sinh qua khu vực này lớn, nguy cơ mất ATGT cao.

Giải pháp an toàn cho cao tốc Cam Lộ-La Sơn phải tính đến QL1A qua Thừa Thiên Huế hiện nay. Cần có phương án đảm bảo cả 2 tuyến đường được vận hành một cách an toàn, không vì cao tốc mãn tải, hay xảy ra tai nạn mà lại dồn áp lực sang QL1A trong khi tuyến này hiện hữu nhiều đoạn chất lượng kém lại có nhiều loại phương tiện cùng tham gia lưu thông.

Theo phân tích nhận định từ ngành, đơn vị chức năng Trung ương, địa phương, những vụ TNGT xảy ra trên cao tốc cao Cam Lộ-La Sơn vừa qua phần lớn do ý thức của người tham gia giao thông, như đi không đúng làn đường, vượt ẩu, dừng xe không đảm bảo quy định, không chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu đường bộ, chở hàng quá tải trọng, không giữ khoảng cách an toàn…

Bài, ảnh, clip: MINH VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/can-phuong-an-dam-bao-an-toan-tren-tuyen-cao-toc-va-quoc-lo-139449.html