Cần quan tâm đến công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường học
Trước nhu cầu không ngừng đảm bảo và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ dạy học, việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường học cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để có thêm nhiều trường, lớp khang trang.
Hằng năm, chuẩn bị vào năm học mới, vấn đề trường, lớp luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người do cơ sở vật chất trường học không theo kịp tốc độ phát triển xã hội. Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường học được xác định là giải pháp căn cơ.
Trước mỗi kỳ nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các huyện, thị, thành phố luôn có công văn nhắc nhở, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát, đánh giá cơ sở vật chất hiện tại; lên kế hoạch, đề ra giải pháp chuẩn bị cho năm học tiếp theo. Trên cơ sở đó, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT; phòng GD&ĐT tổng hợp báo cáo lên cấp trên tìm các giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội hỗ trợ công tác hoàn thiện cơ sở vật chất.
Trường Tiểu học Trung Nam ở tại Đội 2, thôn Nam Phú, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, hiện có 10 phòng học với gần 260 học sinh của các thôn Nam Hùng, Nam Cường, Nam Phú nhưng chưa có phòng học bộ môn và phòng chức năng.
Mới đây, trường được Chi nhánh Ngân hàng Tthương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Quảng Trị (BIDV Quảng Trị) tài trợ 5 tỉ đồng để xây thêm 6 phòng học bộ môn và phòng chức năng, cùng mua sắm trang bị thiết bị dạy học để nhà trường có thêm điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Công trình chuẩn bị được khởi công và phấn đấu đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, vào năm học 2023, BIDV Quảng Trị tài trợ 5 tỉ đồng xây dựng Trường Tiểu học xã Tà Long, huyện Đakrông. Vừa qua, ông Đỗ Hữu Thiện, Giám đốc Trung tâm Tri thức Thiện Nhân Văn tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, trao tặng 20 bộ máy tính trị giá khoảng 250 triệu đồng cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh.
Trên tinh thần này, thời gian qua đã có hàng trăm công trình lớn, nhỏ, là cơ sở vật chất trường học được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ tại các địa phương. Điều này góp phần giúp thầy cô giáo và học sinh được dạy, học trong môi trường khang trang, an toàn hơn; giảm được việc chi ngân sách trong lúc địa phương đang khó khăn.
Tất cả số vốn tài trợ khi quyết định đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục tại địa phương nào đều được chính quyền, ngành giáo dục và nhà tài trợ bàn bạc kỹ càng nên công trình khi xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng luôn phát huy giá trị, ý nghĩa.
Theo khảo sát, các nhà hảo tâm chủ yếu tài trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học cho cấp THCS trở xuống, tập trung nhiều ở các huyện, thị. Điều này phù hợp với khả năng tài chính của họ và nhu cầu cấp bách tại các địa phương ở vùng khó khăn luôn có số lượng học sinh đông hơn, có nhiều điểm trường lẻ. Còn ở cấp THPT, số công trình được tài trợ không nhiều, chủ yếu là các phòng học Tin học, máy vi tính và máy tính bảng.
Trên thực tế, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất trường học thì sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, công tác vận động xã hội hóa đối với xây dựng cơ sở vật chất trường học, tạo dựng môi trường giáo dục từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của các địa phương, các phòng giáo dục, mà bản thân các trường học cần phải chủ động.
Trong điều kiện nguồn đầu tư từ ngân sách có hạn, các nhà trường không có kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng trường, lớp thì nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm luôn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển giáo dục nói chung, từng cơ sở giáo dục nói riêng.
Để tranh thủ được nguồn vốn tài trợ, các nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương để có hình thức vận động phù hợp, linh hoạt. Việc sử dụng kinh phí xã hội hóa cần công khai, minh bạch để tạo được lòng tin cho xã hội.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có gần 400 cơ sở giáo dục các cấp, trong đó có nhiều cơ sở thiếu phòng học. Tình trạng sử dụng phòng học tạm, phòng học mượn, bán kiên cố; học sinh thiếu máy tính để học, thiếu phòng chức năng, nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn; nhà công vụ cho giáo viên... nên rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Việc vận động đầu tư theo hướng xã hội hóa cơ sở vật chất trường học chính là hiện thực hóa chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để mỗi lớp học, ngôi trường luôn là nơi hạnh phúc nhất của học sinh.