Cần quan tâm quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp

Đang sở hữu 2 dây chuyền chế biến ván bóc hoạt động ổn định nhưng anh Vũ Văn Mạnh ở thôn Km8, xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) vẫn rất lo lắng vì UBND xã thường xuyên mời anh lên làm việc, nhắc nhở do người dân sống xung quanh 2 cơ sở chế biến phản ánh về tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn... Biết là việc xây dựng cơ sở sản xuất ván bóc, lâm sản trong khu dân cư và ngay ven đường giao thông sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và gây mất an toàn giao thông nhưng anh không thể tìm được địa điểm phù hợp, trong khi chính quyền địa phương chưa xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp tập trung.

Một cơ sở sản xuất lâm sản trên địa bàn xã Bản Phiệt.

Một cơ sở sản xuất lâm sản trên địa bàn xã Bản Phiệt.

Trao đổi với phóng viên, ông Phàn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt cho biết: Xã hiện có 4 cơ sở chế biến lâm sản, ván bóc và một số cơ sở chế biến vật liệu xây dựng, hằng năm đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng vấn đề đặt ra là các cơ sở này đều nằm xen lẫn trong khu dân cư. Với lợi thế của địa phương thì việc phát triển thêm các cơ sở tiểu thủ công nghiệp sẽ còn tăng, nhưng hiện nay xã chưa xây dựng được khu tiểu thủ công nghiệp.

Huyện Bảo Thắng đang có hơn 100 cơ sở tiểu thủ công nghiệp như chế biến lâm sản, ván bóc và ngành nghề khác. Do hầu hết các địa phương trong huyện chưa xây dựng được khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung nên các cơ sở đều nằm rải rác trong các thôn, bản, ven các tuyến đường giao thông… ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Tương tự, huyện Bảo Yên cũng có nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư ven Quốc lộ 70, Quốc lộ 279 gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay, việc triển khai xây dựng các khu tiểu thủ công nghiệp tập trung ở mỗi xã cũng gặp khó khăn.

Theo ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên), hiện xã có 6 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì tất cả đều nằm xen kẽ trong khu dân cư. Các cơ sở này đều vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và trật tự, an toàn giao thông, nhưng xã chỉ có thể nhắc nhở chủ cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành, còn việc xử lý vi phạm và quyết định đình chỉ hoạt động thì chưa thể thực hiện được bởi địa phương chưa có khu tiểu thủ công nghiệp tập trung để đưa các cơ sở sản xuất này vào hoạt động. Xã đã quy hoạch 7 ha đất xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp tập trung và được huyện, tỉnh phê duyệt, nhưng việc tìm nguồn vốn thực hiện gặp nhiều trở ngại.

Do không có hệ thống xử lý rác thải nên nhiều cơ sở đã xả thẳng chất thải, rác thải ra môi trường.

Do không có hệ thống xử lý rác thải nên nhiều cơ sở đã xả thẳng chất thải, rác thải ra môi trường.

Ông Vương Khánh Trình, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Yên cho biết: Huyện Bảo Yên hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung nhưng đến nay chưa có địa phương nào thực hiện được do thiếu mặt bằng và nguồn lực.

Được biết, cách đây gần 10 năm, huyện Bảo Yên đã quy hoạch, triển khai thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Phố Ràng tại thị trấn Phố Ràng nhưng đến nay mới cơ bản thực hiện xong phần giải phóng mặt bằng và xây dựng một số hạng mục. Hiện UBND huyện tiếp tục huy động, kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để đưa cụm công nghiệp này vào hoạt động.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (khoảng 189 doanh nghiệp công nghiệp). Riêng nhóm cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại các xã, thị trấn có gần 5.000 cơ sở với giá trị sản xuất đạt 2.774 tỷ đồng/năm (chiếm 8,43%% giá trị sản xuất công nghiệp). Đến năm 2020, tổng lao động tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong toàn tỉnh thu hút hơn 15.000 lao động.

Đại diện Phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công Thương cho biết: Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn… Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư và chưa được đầu tư xây dựng bài bản về hệ thống bảo vệ môi trường, an toàn khói bụi, tiếng ồn… nên ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Do vậy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần lập phương án xây dựng được khu, cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung ở mỗi vùng để di dời các cơ sở này ra khỏi khu vực dân cư tập trung.

Ngày 29/11/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5340 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong quy hoạch đã định hướng xây dựng 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 281,81 ha. Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 13/19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 161,81 ha, trong đó đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động 3 cụm công nghiệp (tổng vốn đầu tư hơn 22,16 tỷ đồng), 2 cụm đang được đầu tư xây dựng tại xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn) và thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) với tổng số vốn 16,7 tỷ đồng, hiện vẫn còn 8 cụm chưa được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, cuối năm 2020, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đưa ra định hướng đến hết năm 2030, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Để thực hiện được mục tiêu xây dựng khu, cụm công nghiệp tại các địa phương, quan trọng nhất là phải sớm triển khai quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng và có biện pháp huy động các nguồn vốn làm đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật… kể cả vốn đầu tư nước ngoài.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346540-can-quan-tam-quy-hoach-cum-tieu-thu-cong-nghiep