Cần quy định danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô cho người Việt Nam và người nước ngoài

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, nên quy định đồng bộ danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô cho cả người Việt Nam trong nước và người nước ngoài.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Điều 7, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô nêu rõ: Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được tặng cho người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng lý giải, hiện nay, danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú được HĐND thành phố quy định, nhưng tính pháp lý không thể cao bằng luật. Những người có cống hiến trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô có một danh hiệu quy định trong luật, một danh hiệu do HĐND thành phố quy định, như vậy là chưa hợp lý.

Ngoài ra, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cùng đặc điểm đô thị giống nhau, không thể có nhiều mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong một quốc gia. Nếu dự thảo Luật được thông qua thì tổ chức chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội là hai cấp chính quyền, trong khi đó chính quyền đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là một cấp chính quyền, nghĩa là không tổ chức HĐND quận và phường.

“Vì vậy, tôi đề nghị cần xem xét kỹ lại mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô như trong dự thảo để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam”, đại biểu kiến nghị.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm thực tiễn đã thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh cần sửa quy định UBND quận, UBND phường là một cấp ngân sách thay vì là một đơn vị dự toán ngân sách để bảo đảm hoạt động hiệu quả, năng động, linh hoạt, kịp thời của chính quyền đô thị ở quận và phường.

Tuy nhiên, khi không là một cấp ngân sách thì không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách rất khó khăn trong hoạt động, cần phân cấp để UBND quận, phường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

Nghiên cứu Điểm d Khoản 4 Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố Hà Nội về biên chế chưa thể hiện được tư tưởng phân cấp trong quản lý biên chế vì vẫn thực hiện như hiện nay. Vừa qua, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 98 phân cấp, giao cho thành phố Hồ Chí Minh được quyền quyết định cơ cấu và số lượng cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường và thị trấn và theo tinh thần, chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô.

Do đó, đại biểu cho rằng, Quốc hội nên đẩy mạnh việc phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức, tất nhiên phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của trung ương trong quá trình thực hiện.

Đối với việc thu hút trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao quy định tại Điều 16, đại biểu cho rằng, đây là một chính sách lớn và quan trọng của dự thảo Luật. Bởi nếu Thủ đô không thu hút, trọng dụng được nhân tài và không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể thực hiện được các mục tiêu đề ra trong dự thảo luật.

Vì vậy, đại biểu cho rằng Điều 16 cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, cần quy định nhân tài Thủ đô được hiểu là thế nào, tiêu chí xác định nhân tài và chính sách thu hút, trọng dụng cần phân ra làm 2 nhóm chính sách, không đưa chung vào một khoản như Điều 16 của dự thảo. Cụ thể, một là chính sách thu hút, hai là chính sách trọng dụng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-quy-dinh-danh-hieu-cong-dan-danh-du-thu-do-cho-nguoi-viet-nam-va-nguoi-nuoc-ngoai-669885.html