Cần quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên

Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao sinh sống trong rừng tự nhiên, như: sâm Ngọc Linh; sâm Vũ Diệp (tam thất hoang), bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến...

Nước ta có nhiều lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều khu vực là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài và dưới loài sử dụng làm thuốc.

Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao sinh sống trong rừng tự nhiên, như: sâm Ngọc Linh; sâm Vũ Diệp (tam thất hoang), bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến... Trên thực tế, hiện nay việc trồng cây dược liệu đã và đang đem lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), việc mở rộng diện tích cây dược liệu như cà gai leo, sài đất, xạ đen, hoàn ngọc, tía tô, ngải cứu…cho hiệu quả kinh tế ổn định. Theo đó, cây ây cà gai leo nếu chăm sóc tốt cho năng suất và thu nhập cao gấp 4,5 lần so với trồng các loại cây hoa màu khác. Theo tính toán 1 sào (khoảng 360 m2) cà gai leo sau khi thu hoạch phơi khô cho thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng. Tính thu nhập bình quân hàng năm từ cây dược liệu, thu về từ 500 - 600 triệu đồng.

Đẳng sâm vốn là loài cây dược liệu quen thuộc với đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Loài cây này đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, bón phân, làm cỏ... sau khoảng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch.

Trên cơ sở định hướng về quy hoạch, các địa phương cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp... từ đó xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu.

Trên cơ sở định hướng về quy hoạch, các địa phương cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp... từ đó xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu.

Những năm gần đây, xã nghèo vùng cao Trà Leng, huyện Nam Trà My vẫn duy trì và nhân rộng thêm nhiều diện tích cây quế. So với cây keo và các loại cây trồng khác, cây quế dễ trồng và ít tốn công đầu tư, chăm sóc. Hàng năm, xã Trà Leng vận động bà con tập trung đưa giống quế bản địa nức tiếng một thời vào trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu. Tại huyện Tu Mơ Rông, sâm Ngọc Linh được phân bổ nhiều nhất ở vùng núi đặc hữu này. Đây là một địa phương có số người dân trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất trong tỉnh. Từ cây dược liệu, năm 2022 nhiều người dân huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 8,74%, cao hơn gấp đôi mục tiêu đề ra của tỉnh Kon Tum...

Thời gian qua tại một số khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các địa phương trên cả nước việc phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa còn những hạn chế do thiếu giống tốt có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh gây hại; nguồn tài nguyên dược liệu ngoài tự nhiên bị suy giảm do khai thác không bền vững trong thời gian dài và do chất lượng rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng sản xuất suy giảm tại một số vùng. Diện tích rừng có chất lượng tốt, phù hợp để phát triển dược liệu chủ yếu tập trung ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Hơn nữa, diện tích trồng dược liệu mặc dù đã tăng trong thời gian qua (trừ cây quế, hồi) nhưng việc phát triển, gây trồng còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ, chưa có quy hoạch dẫn đến năng suất, sản lượng và chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng, chế biến dược liệu. Phần lớn cây dược liệu dưới tán rừng được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu bán cho thương lái; phần lớn khu vực có tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu hiện do các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước quản lý nhưng các tổ chức này không có tiềm lực về tài chính để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như cơ chế, chính sách để liên doanh, liên kết sản xuất vùng nguyên liệu; kết cấu hạ tầng giao thông ở vùng trồng chưa hoàn thiện… dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án trồng, phát triển cây dược liệu.

Để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần quy hoạch vùng trồng, danh mục loài cây dược liệu phù hợp để gây trồng, phát triển; song lưu ý không dàn trải, ưu tiên cây đặc sản. Cùng với đó, cần quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất.

Trên cơ sở định hướng về quy hoạch, các địa phương cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp... từ đó xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ; hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, khai thác một số loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế dưới tán rừng theo hướng phát triển bền vững; thực hiện việc trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu theo tiêu chuẩn nhằm bảo đảm chất lượng nguyên liệu.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-quy-hoach-vung-bao-ton-nhung-loai-cay-duoc-lieu-quy-hiem-trong-tu-nhien-169231119164422054.htm