Cần rõ chế tài với trường hợp 'bùng nợ' vay tiêu dùng
Nhiều ý kiến đồng quan điểm cho rằng phải xử lý hình thức đòi nợ không hợp pháp như khủng bố, xã hội đen, song cần có chế tài rõ ràng việc thi hành án các trường hợp 'bùng nợ'.
Vấn đề này được nhấn mạnh tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ngày 25/4.
Vay tiêu dùng quan trọng với người yếu thế
PGS-TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam rất tiềm năng và đây là điều tất yếu.
Với 16 công ty tài chính (CTTC) được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng, NHNN đã quan tâm hỗ trợ hoạt động cho các công ty này, nhưng mới chỉ chiếm tỷ lệ 1,87% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Điều này cho thấy hoạt động của các công ty này còn khiêm tốn.
“Nguyên nhân không phải là vấn đề lãi suất mà ở điều kiện vay vốn, tiếp cận vốn. Những tổ chức không được cấp phép thỏa mãn nhu cầu của người yếu thế khi họ không tiếp cận được nguồn vốn đó tại công ty tài chính được cấp phép” – ông Hoàng Xuân Quế nói, đồng thời đề xuất cơ quan quản lý cần xem xét về hình thức tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người dân khi họ cần tiền để xử lý vấn đề cấp thiết.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó TGĐ Công ty Tài chính TNHH HD SAISON nhấn mạnh trong cuộc làm việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm sao phát triển tài chính tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen, giao Liên đoàn lao động Việt Nam thúc đẩy cho vay tài chính tiêu dùng của công nhân.
Lợi thế của tín dụng đen là cho vay nhanh, đại diện hiện diện ở các khu công nghiệp, đi sâu vào công nhân, cho vay những khoản vay nhỏ nên “công nhân có nhu cầu vay tiền con ốm, phí điện, nước khi chưa có lương... thì họ chỉ có con đường duy nhất là tín dụng đen khi khoản vay chỉ 2-3 triệu đồng, rất khó tìm tới tổ chức chính thống, kể cả lãi suất cao”. Tín dụng đen cũng là nguyên nhân dẫn tới đòi nợ thuê, đe dọa cả cán bộ công đoàn, chủ nhà máy.
Chính vì vậy, tài chính tiêu dùng rất quan trọng trong đời sống với người yếu thế và việc thúc đẩy tài chính tiêu dùng là định hướng đúng đắn của Chính phủ, NHNN để đẩy lùi tín dụng đen.
Chế tài rõ ràng để thu hồi nợ hợp pháp
PGS-TS Hoàng Xuân Quế nhấn mạnh, pháp luật không cấm đòi nợ, chỉ cấm hình thức đòi nợ không hợp pháp như khủng bố, xã hội đen. Do vậy, cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật phải đồng bộ từ việc xử lý nợ, có chế tài rõ ràng việc thi hành án các trường hợp “bùng nợ”.
Đồng tình với việc phải có giải pháp để ngăn chặn thu nợ trái pháp luật, song ông Nguyễn Đình Đức - Phó TGĐ Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cho rằng cần hành lang pháp lý để người đi vay phải có trách nhiệm với khoản nợ của mình. Ngoài khởi kiện thì nên có các có chế tài khác như không được đi du lịch, có thông tin tích hợp với chứng minh thư hay thẻ căn cước để giảm điểm uy tín của công dân với hành vi vay mà không trả nợ.
Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng Luật An Phát Phạm đồng quan điểm phải xử nghiêm thì mới có tác dụng răn đe tốt để những người đi vay có điều kiện phải trả nợ. Song ông cũng cho rằng việc đưa vụ kiện ra tòa án là không khả thi và không bõ công để họ theo đuổi.
Đề cập giải pháp, ông Phạm Văn Phất lưu ý công cụ như khởi kiện có thủ tục rút gọn. Ở nước ngoài, trong 1 ngày có thể xử lý 4-5 vụ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật An Vi cho biết, doanh nghiệp cho vay tài chính tiêu dùng gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ trong khi dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, các cơ chế khác thì không mấy hiệu quả.
Do đó cần thiết phải xem lại luật để có quy định về thu hồi nợ cho phù hợp; chuyên nghiệp hóa trong việc đòi nợ và cần có đạo luật xử lý nợ xấu để giải quyết.
Cần sử dụng hết các quyền pháp luật hiện hành cho phép
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, không phải Chính phủ chưa nhận thức được mà đã nhận thức rất sâu sắc khi thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào.
Có 3 vấn đề nổi lên: Một là thiếu khung pháp lý; hai là thực thi vì nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng; ba là sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (TCTD, công ty tài chính và các tổ chức khác).
Cho rằng về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hoặc quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ, song theo ông Phan Đức Hiếu, để hoàn thành một đạo luật riêng cần nhiều thời gian từ làm rõ sự cần thiết đến xét tính khả thi.
“Tôi chỉ mong muốn rằng trong thời gian tới, trong giải pháp ngắn hạn chúng ta đang rà soát, sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng” – ông nói và cho biết trong dự thảo luật đang trình Quốc hội có 2 quy định liên quan về công ty tài chính và xử lý nợ xấu.
Ông Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì cho biết, Bộ luật Dân sự đã có quy định nhưng các công ty tài chính cũng chưa sử dụng hết quyền của mình.
Để phát triển lành mạnh thị trường, trước mắt các bên trong quan hệ cho vay tài chính cần sử dụng hết các quyền pháp luật hiện hành cho phép, yêu cầu cơ quan tố tụng chấp hành thụ lý giải quyết được vụ án. Nếu các hiệp hội phản ánh đến cơ quan tư pháp về thủ tục rút gọn thì lâu dài sẽ làm được. Tiếp theo là kiến nghị sửa đổi luật./.