Cần sớm nâng cấp hệ thống kè biển tại Nam Định
Hàng trăm mét kè Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã bị sóng biển đánh sập toàn bộ mái kè, tường chắn sóng, gây sạt, sụt hệ thống đường bê tông sát biển, ăn sâu vào khu vực các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Nếu hệ thống kè khu du lịch này không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, các ki ốt, nhà hàng, khách sạn nằm sát biển ở đây đứng trước nguy bị “kéo” trôi xuống biển.
Tan hoang khu du lịch
Có mặt tại Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long vào đầu tháng 11/2020, phóng viên ghi nhận, từng đợt sóng lớn từ ngoài khơi kéo vào vẫn “gầm gừ”, liên tục vỗ mạnh vào bờ, chồm lên cao gần chục mét. Nhiều vị trí của bức tường chắn sóng trên tuyến kè bị bẻ gãy. Những mảng bê tông lớn bị sóng hất văng lên khu vực đường bê tông sát biển và vào khuôn viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Phần mái của các nhà hàng ăn, nghỉ ven biển lợp bằng fibro xi măng, tôn bị thổi bay chỉ còn lại khung sắt. Một số hạng mục như cửa ra vào, cầu thang, sân, bãi đỗ xe của các nhà hàng cũng bị hư hỏng nặng. Nước to, sóng lớn khiến Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long thường xuyên bị ngập sâu. Hiện hơn 100 ki ốt, nhà hàng ăn, nhà nghỉ giáp biển đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long hút khách gần xa bởi vẻ hoang sơ, nay trở nên tan hoang. Mọi hoạt động ở đây gần như bị tê liệt, chưa biết đến khi nào mới có thể trở lại hoạt động.
Theo những người dân sống lâu năm ở khu vực ven biển thị trấn Thịnh Long, những năm qua dù đã đối mặt với nhiều cơn bão mạnh song chưa khi nào nước to, sóng lớn như năm nay, nhất là từ thời điểm tháng 10 đến nay, biển động dữ dội, rất nguy hiểm.
Ông Phạm Văn Roãn ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu buồn rầu cho hay, hơn 10 năm trước gia đình ông bỏ ra 3 tỷ đồng mua và sửa chữa căn nhà ngay cạnh con đường du lịch để kinh doanh dịch vụ ăn, nghỉ. Lượng khách du lịch ở mức ổn định, mang lại nguồn thu khá cho các hộ kinh doanh dịch vụ và tạo việc làm cho hàng trăm lao động khắp nơi.
Tuy vậy, từ sau cơn bão số 7 (xảy ra vào tháng 10 vừa qua) đến nay, vùng biển Thịnh Long xuất hiện sóng lớn, biển động liên tục gây sập bờ kè, ảnh hưởng lớn đến cơ sở kinh doanh của các hộ dân. Không những phải tạm dừng mọi hoạt động dịch vụ, du lịch mà hơn 100 hộ có ki ốt, nhà hàng ở khu vực ven biển thị trấn Thịnh Long còn vô cùng lo lắng bởi nếu bờ kè không được nâng cấp kiên cố sớm thì toàn bộ tài sản của người dân có nguy cơ bị sóng cuốn ra biển.
Cần giải pháp bền vững
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Vũ Văn Kỳ cho biết, tuyến kè Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long dài gần 2 km, phục vụ mục đích du lịch, bảo vệ các ki ốt, nhà hàng, hệ thống hạ tầng khu du lịch này. Hệ thống kè còn góp phần bảo vệ tuyến đê biển Thịnh Long cách đó khoảng 200 m.
Tại Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long có 136 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (gồm 18 khách sạn, còn lại là các nhà hàng ăn, nghỉ) và trụ sở các cơ quan, như chi nhánh ngân hàng nông nghiệp, bưu điện, công an, bến xe… với tổng số lao động làm việc ở đây lên tới gần 1.000 người; trong đó, hơn 700 lao động làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch, còn lại là cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan, đơn vị.
Những năm qua, trước tác động của thiên tai, hệ thống kè khu du lịch biển thị trấn Thịnh Long đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2017, bão số 10 đã làm sạt kè, tường chắn sóng, đường bê tông bãi tắm ở 4 vị trí, tổng diện tích trên 560 m2. Đến tháng 12/2019, sóng lớn kết hợp với triều cường đã làm tuyến kè biển này bị sạt lở tại 2 vị trí, dài hơn 30 m.
UBND huyện Hải Hậu và tỉnh Nam Định đã khắc phục sự cố, đảm bảo phục vụ hoạt động phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, vào tháng 8/2020, ảnh hưởng của bão số 2 kết hợp với triều cường đã làm sạt lở tại 7 vị trí trên tuyến kè Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long, với tổng diện tích các hố sạt hơn 135 m2.
Đặc biệt, từ ngày 14/10 đến nay, do ảnh hưởng của bão số 7, số 8 và sóng to, nước lớn đã làm 210 m kè sập toàn bộ mái kè, tường chắn sóng. Hơn 700 m thềm kè, đường bê tông cũng bị sạt, sụt, bong bật cấu kiện bê tông ở nhiều vị trí, có chỗ lan rộng cả chục mét vào tới tiền sảnh các nhà hàng.
Ngay sau khi xảy ra các điểm sạt lở, Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu đã báo cáo các cơ quan chức năng của tỉnh; tổ chức lực lượng, trập trung phương tiện xử lý giờ đầu sự cố bằng cách xếp các rọ thép đựng đá hộc phủ lên trên các vị trí bị sạt, sụt; tận dụng cấu kiện cũ lát lại mái kè, phần tiếp giáp đổ bê tông tại chỗ để hạn chế tác động của sóng biển. Huyện Hải Hậu, thị trấn Thịnh Long cũng cắt cử lực lượng thường xuyên theo dõi, kiểm tra toàn tuyến kè để xử lý kịp thời các sự cố phát sinh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu khẳng định, việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống kè Khu Du lịch biển thị trấn Thịnh Long giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch địa phương và phòng, chống thiên tai, bảo vệ tuyến đê biển trên địa bàn. Dù vậy, các hạng mục này cần nguồn kinh phí rất lớn, ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng, vượt quá khả năng của huyện do vậy rất cần sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh.
Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu mong muốn, các cơ quan chuyên môn của Trung ương, của tỉnh về nghiên cứu thực tế, khảo sát hiện trạng, đánh giá tác động của thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để đưa ra những giải pháp về quy hoạch, phòng, chống thiên tai mang tính bền vững cho địa phương.