Cần tăng cường kết nối, đầu tư đồng bộ, toàn diện, hướng đến ĐBSCL phát triển bền vững
Sáng nay (ngày 27/3), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam tổ chức Công bố Báo cáo AMDER năm 2024 (Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL).

Đại biểu tham dự lễ Công bố Báo cáo AMDER năm 2024.
Tham dự lễ công bố có đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI; ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh ĐBSCL; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL cùng các đại sứ quán, tham tán các nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh, có đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh; lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Công thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế... cùng một số doanh nghiệp của tỉnh Trà Vinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện (hàng đầu, bìa phải) tham dự lễ Công bố Báo cáo AMDER năm 2024.
Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2024, có chủ đề: “Huy động đầu tư cho phát triển bền vững”. Báo cáo nhằm cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng kinh tế vĩ mô và những cơ hội, thách thức trong thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo động lực tăng trưởng bền vững cho ĐBSCL.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại lễ Công bố Báo cáo AMDER năm 2024.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định: đây là báo cáo quy mô cấp vùng đầu tiên của cả nước được thực hiện hàng năm với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu hàng năm của báo cáo đã được các cơ quan trung ương, nhà nghiên cứu và tổ chức quốc tế đánh giá cao và sử dụng trong lập quy hoạch, thảo luận, xây dựng chính sách. Đồng thời, báo cáo được chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL sử dụng trong xây dựng chính sách, điều hành kinh tế địa phương.

Lãnh dạo VCCI và VCCI ĐBSCL, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.
Theo Báo cáo AMDER năm 2024: đầu tư thiếu đồng bộ và hiệu quả hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển của ĐBSCL. Mặt khác, thiếu hụt đầu tư là một trong những nguyên nhân dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của nền kinh tế ĐBSCL trong những năm qua. Dù là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp.
Cụ thể, tính theo bình quân đầu người, so sánh trong 06 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, ĐBSCL đứng thứ 03 về vốn ODA, thứ 04 về đầu tư công, thứ 05 về FDI, thứ 06 về đầu tư tư nhân trong nước. Hệ quả là kết cấu hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu.
Giai đoạn 2021 - 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở ĐBSCL chỉ chiếm 11,2% của cả nước, giảm từ mức 13,2% trong giai đoạn 2011 - 2016, thấp hơn tỷ lệ đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước. Đầu tư tư nhân, động lực tăng trưởng quan trọng nhất, cũng tăng trưởng chậm. Hệ quả là trong 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân vào ĐBSCL giảm từ 14,9% của cả nước xuống 12,4%. Đáng chú ý, FDI vào ĐBSCL trong năm 2023 chỉ chiếm 02% tổng vốn FDI cả nước, phần lớn tập trung ở Long An, trong khi các tỉnh còn lại gần như vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Jonathan London, Cố vấn kinh tế cao cấp Chương trình phát triển kinh tế Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu về liên kết kinh tế ĐBSCL.
Những rào cản chính đối với huy động đầu tư vào ĐBSCL
Những rào cản chính được Báo cáo AMDER năm 2024 chỉ ra có 04 nhóm đang kìm hãm dòng vốn đầu tư vào ĐBSCL: (1) Hạ tầng giao thông và logistics yếu kém: ĐBSCL thiếu kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, chi phí vận tải cao và chuỗi cung ứng chưa đồng bộ. (2) Thiếu hụt lao động có tay nghề: ĐBSCL là vùng có tỷ lệ di dân cao nhất và tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước, trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. (3) Rủi ro từ biến đổi khí hậu: Xâm nhập mặn, sụt lún đất và nước biển dâng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. (4) Môi trường kinh doanh chưa đủ thuận lợi: Chính sách thu hút đầu tư thiếu hấp dẫn, quy trình hành chính phức tạp, khó tiếp cận đất đai và tài chính.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả nghiên cứu cáo AMDER năm 2024
Định hướng và giải pháp huy động đầu tư
Báo cáo đề xuất 04 nhóm giải pháp then chốt nhằm đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững cho ĐBSCL; trong đó, các chính sách cần tập trung xác định chính xác ưu tiên đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; mở rộng nguồn lực tài chính từ cả khu vực công và tư nhân; đầu tư công hiệu lực và hiệu quả là điều kiện then chốt để thu hút đầu tư tư nhân vào ĐBSCL: (1) Đưa chuyển đổi số thành trọng tâm của chiến lược đầu tư và phát triển; (2) Tái cơ cấu phân bổ đầu tư công theo hướng ưu tiên hạ tầng giao thông và viễn thông, logistics và chuyển đổi số; (3) Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân và FDI; (4) Phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP).

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu về sự cần thiết trong đầu tư, giúp ĐBSCL phát triển trong thời gian tới.
Hướng tới một ĐBSCL phát triển bền vững
Báo cáo nhấn mạnh, để chống suy giảm kinh tế, ĐBSCL cần một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững, ĐBSCL tận dụng tiềm năng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo sinh kế bền vững cho 18 triệu dân đồng bằng.

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về vai trò đầu từ vào khu vực ĐBSCL.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024 sẽ được công bố rộng rãi và là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm đến sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm này. Qua đó, Báo cáo đề xuất các khuyến nghị chính sách phù hợp cho các bên liên quan để hiện thực hóa tiềm năng của vùng.