Cần thay đổi tư duy về cách thu thập, quản lý dữ liệu đất đai
Đến năm 2025, cả nước sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều địa phương loay hoay trong hoạt động số hóa dữ liệu.
Việc chuyển đổi số cho đất đai còn chậm
Tính đến tháng 5/2024, huyện Văn Bàn (Lào Cai) có gần 3.500 thửa đất chưa được cấp sổ đỏ. Theo ông Nguyễn Huy Việt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện, nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc thất lạc hồ sơ địa chính và các khiếu nại, tranh chấp giữa các hộ gia đình sau khi đo đạc lại đất đai.
Trước đó, để chuẩn hóa hồ sơ, lãnh đạo địa phương đã giao doanh nghiệp thực hiện đo đạc lại diện tích sử dụng đất của các hộ dân. Toàn bộ quá trình thực hiện của đơn vị này đều theo phương pháp thủ công. Theo phản ánh của người dân, số liệu về diện tích đất, mốc giới… mà công ty này đưa ra có nhiều sai sót. Một số hộ còn phản ánh tình trạng thất lạc sổ đỏ, sau khi giao nộp cho huyện để phục vụ việc chuẩn hóa.
Trường hợp của huyện Văn Bàn đã phản ánh các yếu điểm của việc quản lý dữ liệu đất đai theo phương pháp cũ, chậm đổi mới. Tuy nhiên, đây không phải là địa phương duy nhất phải đối mặt với vấn đề này.
Theo ông Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, hiện địa phương vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu đất đai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những bất cập trong công tác đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính…
Tuy nhiên, ngay cả với những huyện đã được áp dụng số hóa dữ liệu đất đai như Tân Lạc và Yên Thủy (Hòa Bình), tình hình cũng không khả quan hơn. Với huyện Tân Lạc, phần mềm quản lý đất đai đã bị lỗi nên không thể cập nhật, chỉnh lý dữ liệu.
Còn với huyện Yên Thủy, cơ sở dữ liệu tại đây đã được tích hợp trên hệ thống quản lý thông tin đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình. Dẫu vậy, các khâu chuyển giao, hướng dẫn, vận hành, khai thác, chỉnh lý dữ liệu vẫn chưa được cụ thể hóa.
Tính đến tháng 6/2024, thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho biết, mới chỉ có Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các bộ, ngành còn lại vẫn chưa thực hiện, trong đó bao gồm cả Bộ Tài nguyên và Môi trường với cơ sở dữ liệu đất đai.
Tính đến hết tháng 5/2024, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, mới có 455/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính. 325/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, hiện chỉ có 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất. 48/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân.
Dữ liệu đất đai phải là thông tin sống, chính xác
Trong cuộc họp mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh việc các cơ quan ban ngành cần thay đổi tư duy, phương pháp, công nghệ điều tra đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính… Trong đó, cần quy định rõ chỉ tiêu cơ bản cần điều tra, tránh tình trạng tiến hành làm tràn lan, không đủ nguồn lực, thiếu hiệu quả.
"Dữ liệu thu thập từ quá trình điều tra, cập nhật hồ sơ địa chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai phải là thông tin sống, chính xác", Phó thủ tướng chỉ đạo. Bên cạnh đó, các thông tin, dữ liệu đất đai cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho địa phương, như thời hạn hoàn thành thủ tục đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận… nhằm đáp ứng yêu cầu chính đáng của người sử dụng đất.
Trước đó vào tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP. Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, luật cũng nêu trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ và phần mềm hệ thống, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai.