Cần thể chế hóa cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, thu hút nhân tài
Chiều 17/5, thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật, đại biểu nhận thấy hồ sơ đã cơ bản đầy đủ, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn ngay tại kỳ họp này.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật, nhất là để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, qua đó tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước trở về quê hương đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – đúng như định hướng của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên thảo luận tổ chiều 17/5.
Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo, đại biểu cho rằng các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này cơ bản đã bám sát các văn bản kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, trong đó nêu yêu cầu có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Hiện nay, các quy định của dự thảo vẫn là quy định chung, chưa thể hiện rõ tinh thần này.
Liên quan đến quy định yêu cầu người đảm nhiệm một số vị trí trong hệ thống chính trị phải có duy nhất một quốc tịch Việt Nam, đại biểu cho rằng nội dung này đang được quy định rải rác ở nhiều luật chuyên ngành như: Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Cảnh sát biển, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án, Luật Viện Kiểm sát nhân dân… nhưng lại chưa thống nhất về điều kiện quốc tịch. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cần rà soát và sửa đổi đồng bộ các luật chuyên ngành để phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch sửa đổi, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ chiều 17/5.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên cũng cho rằng việc quy định yêu cầu chỉ có một quốc tịch và thường trú tại Việt Nam đối với các nhóm đối tượng được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật lại đưa ra ngoại lệ là “trường hợp có lợi cho Nhà nước và xã hội, không phương hại đến lợi ích quốc gia”. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quy định các ngoại lệ này, đặc biệt là không nên áp dụng rộng rãi cho tất cả nhóm đối tượng nêu trên. Đại biểu cho rằng, chỉ nên áp dụng ngoại lệ đối với một số đối tượng cụ thể như người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các đơn vị sự nghiệp công lập – nơi cần thu hút nhân tài – và phải kèm theo điều kiện rõ ràng, chặt chẽ.
Về quy định tại khoản 6, Điều 5 dự thảo luật – theo đó quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quốc tịch không bị khiếu nại, khiếu kiện, đại biểu cơ bản đồng tình vì đây là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, cụ thể là thẩm quyền của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý rằng trong quá trình giải quyết hồ sơ nhập quốc tịch, nếu các cơ quan tham mưu thực hiện thủ tục có sai sót, thiếu minh bạch, thì người dân cần có quyền phản ánh, khiếu nại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định rõ ràng, rành mạch giữa quyết định cuối cùng (thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước) và các bước, thủ tục hành chính liên quan trong quá trình xử lý hồ sơ.
Kết thúc phần thảo luận, Đại biểu Trần Hồng Nguyên khẳng định sự ủng hộ đối với dự thảo luật, đồng thời mong muốn các góp ý sẽ được tiếp thu, hoàn thiện để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn phát triển.