Cần thể chế rõ vai trò của Nhà nước trong sử dụng đất đai, chống 'lợi ích nhóm'

Dẫn những vụ án, vụ việc lớn liên quan đến đất công như vụ 'Vũ Nhôm'; các vụ việc xảy ra ở Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, TPHCM, ông Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội đề nghị cần thể chế hóa bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất, không để 'lợi ích nhóm' trục lợi.

Ông Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội.

Địa tô chênh lệch chưa hài hòa

Sáng 8/10, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở khó khăn trong việc tiếp cận đất đai. Luật cũng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng. Quá trình thực hiện cũng đã xuất hiện những khoảng trống pháp lý, kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân trục lợi, phát sinh nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện.

Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai

Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai

Phân tích cụ thể hơn những bất cập của Luật Đất đai, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tuy nhiên, luật hiện nay mới chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại chưa được quy định rõ.

Luật Đất đai chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai; giá trị tăng thêm của đất (địa tô chênh lệch) chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên; vi phạm về đất đai, khiếu kiện về đất đai còn phức tạp.

Đặc biệt, theo ông Thực, việc tổ chức thực hiện công tác định giá đất, tính tiền sử dụng đất còn thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên thông, có sơ hở tạo ra cơ chế xin - cho, nhũng nhiễu, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

“Cứ chuyển đổi mục đích sử dụng đất là giàu có”

Bày tỏ sự ủng hộ sửa đổi Luật Đất đai, ông Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội lưu ý, cần làm rõ nội hàm, vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu. Bởi hiện nay, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí liên quan đến đất công, đất giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức của Nhà nước hiện nay rất lớn.

Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào việc sửa đổi Luật Đất đai

Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào việc sửa đổi Luật Đất đai

Dẫn những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn xảy ra trong thời gian qua như vụ án “Vũ Nhôm”; các vụ việc xảy ra ở Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, TPHCM, ông Tuyến nhấn mạnh “tất cả đều liên quan đến đất công”.

“Đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các lợi ích nhóm. Doanh nghiệp cũng nhìn chằm chằm vào đất của quốc gia. Cứ thu hồi đất của nông dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền, bán chênh lệch là giàu có. Nguồn lực của đất đai đang bị các lợi ích nhóm xâu xé. Do đó việc quản lý bây giờ như nào là cả một vấn đề đặt ra”, ông Tuyến lưu ý.

Theo ông, khi sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, cần thể chế hóa bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất. Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác. Nhân dân với tư cách là đại diện chủ sở hữu có quyền hành gì thì luật phải quy định rõ.

Đề cập đến quy định lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân, ông Tuyến lưu ý phải làm rõ “dân ở đây là ai”, chứ không thể quy định chung chung.

“Dân ở đây chính là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch. Đồng thời, khi người dân góp ý quy định số % nếu chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì các cơ quan lập quy hoạch sẽ thay đổi toàn bộ, thay đổi một phần hay không thay đổi thì phải giải trình cho nhân dân", ông Tuyến kiến nghị.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-the-che-ro-vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-su-dung-dat-dai-chong-loi-ich-nhom-post1383130.tpo