Cần thêm thiết chế hoàn chỉnh quy trình của lễ hội Đình Xàm

Đình Xàm thuộc xóm Xàm, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy, là ngôi đình lớn, được xây dựng vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ XVIII, thuộc nhóm sớm nhất nhì của tỉnh Hòa Bình. Từ năm 1954, đình ít được quan tâm bảo tồn, đến năm 1986 đình bị hư hỏng hoàn toàn, may mắn nhiều hiện vật quý của đình Xàm được nhân dân địa phương lưu giữ.

Đình Xàm thuộc xóm Xàm, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy, là ngôi đình lớn, được xây dựng vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ XVIII, thuộc nhóm sớm nhất nhì của tỉnh Hòa Bình. Từ năm 1954, đình ít được quan tâm bảo tồn, đến năm 1986 đình bị hư hỏng hoàn toàn, may mắn nhiều hiện vật quý của đình Xàm được nhân dân địa phương lưu giữ.

Nguyên gốc dấu tích xưa

Căn cứ vào 11 sắc phong của đình cùng thông tin từ các cao niên ở địa phương, vào thời vua Lê Hiển Tông (1717 - 1786) niên hiệu Cảnh Hưng, ở xóm Xàm có gia đình nông dân ăn ở hiền lành. Ông bà sinh được 2 người con trai, người anh tên là Bùi Văn Cha, người em là Bùi Văn Khú. Hai anh em lớn lên gặp vận nước giặc dã liên miên. Năm 1750, người em xin ra chiến trường, người anh ở lại quê nhà bảo vệ quê hương và phụng dưỡng mẹ già cha yếu. Người em với tài năng thao lược, lập nhiều chiến công hiển hách, được vua tin yêu. Khi đất nước thanh bình, ông trở về kinh đô Thăng Long, được vua ban thưởng nhiều đất đai ở quê nhà và gả công chúa.

Lúc đó, nhà vua có 2 nàng công chúa xinh đẹp. Vua muốn gả công chúa chị nhưng nàng khước từ. Công chúa em vì ngưỡng vọng tài năng của ông nên đồng ý se tơ kết tóc. Ngày ông rước vợ về quê, công chúa chị cũng đưa em về nhà chồng. Được chứng kiến quê hương em rể thanh bình, trù phú, người và muôn vật vui hòa, nàng sinh lòng oán tiếc. Trên đường về kinh đô nàng gieo mình xuống suối con gái để tự vẫn, vết tích của câu chuyện vẫn còn in dấu khu vực suối này. Cũng từ tích đó mà về sau nhân dân 3 xóm: Đình, Rò, Xàm có tục kiêng chị gái không đưa em gái về nhà chồng, hiện tục vẫn tồn tại.

Khi vợ chồng ông Khú mất được táng ngay tại quê nhà khu vực Gò Mè, xóm Xàm theo đúng nghi lễ táng thức của người Mường. Nhân dân tri ân công ơn của ông và vợ ông đã xây dựng nhiều điểm thờ tự, gồm đền thờ (đền Thượng), đình Xàm.

Đình Xàm quay về hướng Nam, cấu tạo hình chuôi vồ, hậu cung là phần thờ tự chính. Toàn bộ khung đình được làm bằng gỗ lim, nhà đại đình rộng 11m, dài 23m, nền được bao quanh bằng những viên đá xanh hình khối, gọt đẽo công phu. Trải qua thời gian dài không được quan tâm tu bổ, đình Xàm dần mai một và sụp đổ hoàn toàn vào năm 1986. Năm 2000, nhân dân địa phương dựng một ngôi nhà tạm trên nền cũ của hậu cung xưa, diện tích 8 mét vuông để làm nơi hương khói.

Năm 2003, di tích đình Xàm được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2010, đình Xàm được đại trùng tu, đến năm 2013 hoàn thành, nguồn kinh phí trên 11 tỷ đồng với tổng diện tích trên 250 mét vuông. Hiện vật xưa còn lại tại đình Xàm gồm 11 sắc phong. Sắc sớm nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (1784), sắc muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1925), 1 cờ màu đỏ thêu 8 chữ Hán màu vàng trên nền gấm đỏ "Đô Khú Đại Vương thượng đẳng tối linh” và một số đồ thờ tự khác.

Lễ hội đình Xàm được mở hàng năm vào ngày mùng 6 - 7 tháng Giêng, 3 năm 1 lần mở hội lớn. Hội lớn được tổ chức từ ngày mùng 6 - 8 tháng Giêng. Ngày đầu là lễ rước cỗ cơm thi về đình, ngày thứ hai là lễ rước bóng thành hoàng, ngày thứ 3 là lễ rước sắc phong. Trong những ngày lễ hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa khác như hát đúm, thường rang, ném còn, sắc bùa…

Những di tích vệ tinh liên quan đến hoạt động tín ngưỡng tại đình Xàm

Gắn với đình Xàm xưa còn 3 địa điểm di tích khác liên quan mật thiết đến đình và tiến trình rước trong lễ hội của đình Xàm.

Đầu tiên phải nhắc đến là đền Thượng, cách đình Xàm 600m về hướng Đông, đền thuộc địa phận xóm Rò. Khi còn tồn tại, đền gồm 3 gian, dài 8m, rộng 4m, mái lợp tranh, tường xung quanh bưng gỗ, kiến trúc đền được trang trí nhiều hoa văn đẹp. Đền tọa lạc trên một bãi đất rộng, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra thung lũng. Các cao niên ở địa phương cho biết, đền tọa lạc trên chính nhà của thành hoàng lúc sống đã gắn bó, khi ngài hóa, dân làng lập đền thờ để thờ 2 vợ chồng ngài. Như vậy, đền Thượng có trước đình Xàm, trong nghi thức lễ hội cổ truyền hàng năm của đình Xàm, đoàn rước kiệu phải đến đền này đầu tiên để đón vợ chồng thành hoàng ra đình dự lễ hội, nhưng đến nay nghi thức này bị mai một với lý do đền đã bị hỏng từ năm 1954.

Điểm thứ 2 rất quan trọng trong cụm di tích đình Xàm là khu mộ của vợ chồng thành hoàng. Hai ngôi mộ được xếp song song, có các cột đá lớn đánh dấu đầu đuôi theo phong tục táng thức cổ truyền của người Mường. Hai ngôi mộ cách đền Thượng khoảng 850m, trên một khu đất bằng phẳng rộng 1.257,1m2, khu đất dành cho 2 ngôi mộ đã được xây tường bao, có cổng ra vào, ẩn mình dưới tán cây cổ thụ càng tôn thêm vẻ linh thiêng, 2 ngôi mộ hiện được bảo vệ nguyên trạng nhưng chưa có chỗ để hương khói trang trọng xứng tầm với một danh thần, thành hoàng có công "hộ quốc cứu dân, linh ứng đã lâu được nhiều đời vua ban cấp sắc phong…" như những gì 11 bản sắc phong của các đời triều đại Lê, Nguyễn ban sắc.

Điểm thứ 3 phải nhắc đến liên quan đến lễ hội đình Xàm là khu vực suối con gái (suối Uổm) thuộc xóm Tân Vượng, nơi công chúa chị gieo mình xuống suối tự vẫn khi đưa em gái về nhà chồng. Hiện khu vực suối đang để hoang, nếu có một thiết chế thờ tự ở khu vực này thì lễ hội đình Xàm sẽ phong phú, đầy đủ, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, điểm tâm linh mang tính nhắc nhở, giáo dục cao trong cộng đồng.

Đình Xàm là ngôi đình quý, diện tích lớn, kiến trúc trang trí tinh xảo; thờ thành hoàng là nhân thần sinh ra và lớn lên tại xóm Xàm; đình còn lưu giữ được 11 sắc phong, trong đó có 1 sắc phong thời nhà Lê, chứng tỏ đình Xàm có từ thời nhà Lê (rất hiếm có ở Hòa Bình, đình làng chủ yếu ở thời nhà Nguyễn). Qua trình nghiên cứu về tổng thể các di tích có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng của đình Xàm ghi nhận những đề xuất, ý kiến của chính quyền, nhân dân địa phương. Trước mắt phục hồi lại những di sản đã mai một như đền Thượng (nơi ở hàng ngày của thành hoàng, khi lễ hội mới rước ra đình), xây mới thiết chế thờ chị gái công chúa và có chỗ hương khói trang nghiêm nơi an nghỉ của 2 vợ chồng thành hoàng Bùi Văn Khú.

Theo lãnh đạo xã Phú Lai, trong lễ hội đình Xàm có 3 điểm nhấn quan trọng là lễ rước cỗ cơm thi, lễ rước bóng thành hoàng, lễ rước sắc phong. Nhưng hiện nay, lễ hội hàng năm mới chỉ tổ chức được lễ rước cỗ cơm thi, các lễ rước còn lại chưa thực hiện được vì không có điểm để rước. Các điểm trên được phục dựng lại sẽ là cơ sở cho việc phục dựng lại lễ hội truyền thống, xã đã có kế hoạch chuẩn bị đủ các điều kiện sẵn sàng cho việc phục dựng các điểm di tích.

Tất cả các thiết chế tâm linh trên được phục hồi, xây dựng lại thì lễ hội đình Xàm sẽ đầy đủ về lễ nghi, quy trình đúng với lễ hội cổ truyền và sớm nâng tầm lễ hội lên cấp cao hơn hiện nay, xứng tầm là di tích quý hiếm của tỉnh Hòa Bình.

Lê Quốc Khánh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/190258/can-them-thiet-che-hoan-chinh-quy-trinh-cua-le-hoi-dinh-xam.htm