Cần thiết giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, sáng 27.5, về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2024, nhiều đại biểu nhất trí Quốc hội giám sát tối cao Chuyên đề 1, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...

Theo đó, cần đánh giá toàn diện kết quả, rút bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp khả thi để hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo Nghị quyết Quốc hội, đồng thời rút kinh nghiệm cho các tình huống khẩn cấp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái): Đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội

Sau khi nghiên cứu các chuyên đề dự kiến giám sát năm 2024, tôi đề xuất Quốc hội tiến hành giám sát tối cao đối với Chuyên đề 1 Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, thời kỳ trước và sau có liên quanvà Chuyên đề 2 Việc thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết 19 ngày 25.10.2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đối với Chuyên đề 1, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, Nghị quyết số 43 của Quốc hội được ban hành và triển khai thực hiện là một dấu ấn đột phá, chưa có tiền lệ, góp phần rất quan trọng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh, doanh của các thành phần kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: việc triển khai thực hiện còn chậm, nhiều chính sách quan trọng kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đặt ra. Ví dụ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc chương trình...

Đối với các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, có thể nói, việc triển khai các Nghị quyết này là một điểm sáng, có bước đột phá thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Hàng loạt dự án quan trọng quốc gia đã được khởi công mới; một số đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch. Tuy nhiên, cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế như: tốc độ giải ngân một số dự án còn chậm, nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn của chủ đầu tư, các nhà thầu chưa được tháo gỡ kịp thời.

Do vậy, cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chuyên đề 1 để có sự đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, làm rõ được những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được các giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương): Giám sát tìm giải pháp – sẽ tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của cử tri

Tôi đồng tình với Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 mà Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày, trong đó đặc biệt là những lợi ích mang lại trong quá trình giám sát. Đây cũng là nguyện vọng chung của cử tri. Điều quan trọng là qua giám sát chúng ta tìm ra giải pháp, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hướng tới sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta tiếp tục theo hướng này thì sẽ tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của cử tri.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Về các chuyên đề giám sát giám sát cụ thể, tôi đề xuất lựa chọn Chuyên đề 1 và Chuyên đề 4 để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao. Trong đó, đối với Chuyên đề 1, tôi cũng đồng ý với đại biểu Nguyễn Quốc Luận của Đoàn Yên Bái về tính cấp thiết và những việc mà chúng ta chưa làm được nhưng theo tôi chuyên đề giám sát này còn ý nghĩa rất quan trọng nữa là phải rút kinh nghiệm cho thời gian tới khi chúng ta có thể sẽ phải ứng phó với những tình huống khẩn cấp tương tự như đại dịch Covid – 19 vừa qua.

Đối với Chuyên đề 4 về bất động sản và nhà ở xã hội, thời gian qua, sự trầm lắng của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Trong năm 2022, nền kinh tế nước ta đã có tốc độ phát triển rất ngoạn mục. Nhưng năm nay, rõ ràng đang chững lại. Việc bất động sản ngừng lại là một mạch máu chính của nền kinh tế đang bị nghẽn lại. Chúng ta cũng cần phải tìm các biện pháp để khai thông thị trường này, nếu không làm gấp, làm nhanh biết đâu có thể có hệ lụy, giống như khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 bắt đầu từ bất động sản của Thái Lan.

Hai Chuyên đề còn lại (Chuyên đề 2 và Chuyên đề 3) cũng rất quan trọng nhưng Quốc hội giao lại để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chứ không phải chúng ta coi nhẹ.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum): Giám sát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đã thực sự quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế và các quy định hướng dẫn phục vụ công tác giám sát. Giám sát tối cao, giám sát chuyên đề được đổi mới, tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng đổi mới và tăng cường, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động giám sát và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội hiện vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Ví dụ, chưa có quy định cụ thể về: trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; quy định về việc thành lập đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có ít đại biểu Quốc hội rất khó thành lập đoàn giám sát.

Tôi đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra trên đây và những hạn chế đã được chỉ ra tại Tờ trình đầy đủ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương. Việc văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành không đúng trình tự quy định, không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí còn sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cản trở rất lớn liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Do đó, đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Nguyễn Bình ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-thiet-giam-sat-toi-cao-viec-thuc-hien-nghi-quyet-so-43-cua-quoc-hoi-i330458/