Cần thiết tăng Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá

Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra, tiêu tốn khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng). Do đó, để giảm thiểu và phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) gây ra, từ năm 2014 đến nay, hằng năm Quỹ PCTHCTL – Bộ Y tế đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các Bộ, ngành, các đơn vị chính trị xã hội và 63 tỉnh, thành phố, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,… để tổ chức thực hiện các hoạt động PCTHCTL trên toàn quốc.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines. Do đó, Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1% và giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá; Tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%.

Theo dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất hai phương án:

+ Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

+ Phương án 2: Năm 2026 giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75%, mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.

Mục tiêu là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO. Theo thống kê, qua thời gian thực hiện Chiến lược PCTH của thuốc lá, Việt Nam đã ghi nhận những kết quả nổi bật như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13 – 15 tuổi giảm từ 2,5% xuống còn 1,9% trong 8 năm thực hiện; tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế trong 5 năm ( 2015 – 2020) tăng từ 40,5% - 72,2% năm 2020.

WHO đã thống kê 3 phương pháp đánh Thuế Tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay trên thế giới. Hiện phương thức kết hợp mức tuyệt đối và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm là phương thức được khoảng 48 nước phát triển áp dụng. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tham khảo kỹ những kinh nghiệm quốc tế, từ đó có lựa chọn phù hợp.

Lê Hương - Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-thiet-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-thuoc-la-240106.htm