Cần thiết xây dựng Luật Thương mại điện tử

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương nêu nhiều lý do cho thấy Việt Nam cần thiết phải xây dựng Luật Thương mại điện tử.

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT). Tờ trình nhấn mạnh, việc ban hành Luật TMĐT là cần thiết để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội luật hóa cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo hệ thống pháp luật về TMĐT đồng bộ, thống nhất.

Luật này nhằm khắc phục những bất cập trong thực thi các quy định hiện hành, thích ứng với sự thay đổi do công nghệ số mang lại. Đồng thời, luật sẽ hoàn thiện chính sách theo hướng khuyến khích sáng tạo, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo nền tảng cho TMĐT phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào nền kinh tế số.

Theo Bộ Công Thương, trên thế giới nhiều nước đã xây dựng luật thương mại điện tử như Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Ireland... Một số nước không có luật thương mại điện tử nhưng có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này như Ủy ban châu Âu. Một số quốc gia xây dựng luật liên quan từ góc độ bảo vệ người dùng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT).

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT).

Kinh nghiệm xây dựng khung khổ pháp luật về TMĐT của đa số các quốc gia và khu vực cho thấy quan điểm thống nhất của các bên trong việc không thể coi TMĐT chỉ là một phương thức hoạt động thương mại mà cần phải đặt TMĐT là một phương thức hoạt động thương mại đặc biệt, tiềm ẩn nhiều phức tạp, cần có văn bản pháp lý riêng biệt điều chỉnh các khía cạnh đặc thù của lĩnh vực này.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam rất cần xây dựng Luật TMĐT để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số", Bộ Công Thương nêu.

Bộ Công Thương cho biết, khi xây dựng Luật TMĐT sẽ tập trung vào 5 chính sách lớn. Thứ nhất, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Thứ 2, quy định các hình thức hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan.

Thứ 3, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT. Thứ 4, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Thứ 5, quy định về xây dựng, phát triển TMĐT.

Với điều kiện thực tế hiện nay, Bộ và ngành Công Thương các cấp có đủ nguồn nhân lực, bộ máy, điều kiện cơ bản cho việc thi hành Luật TMĐT sau khi được Quốc hội thông qua, bảo đảo tính khả thi về chính sách. Đồng thời, các quy định tại Luật TMĐT không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành khác có liên quan.

Nếu được Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10/2025.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/can-thiet-xay-dung-luat-thuong-mai-dien-tu/20250119044421307