Cần tôn trọng quyền được đi học của trẻ em
Năm học mới đã khai giảng được một thời gian nhưng đến nay vẫn có hàng trăm em học sinh của các trường tiểu học và THCS ở các xã Tế Nông, Trung Chính (Nông Cống) vẫn chưa được đến trường do phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường.
Học sinh trường THCS Trung Chính đã đến trường đi học đủ 100%
Được biết, vào cuối năm 2019, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Nông Cống có 6 xã sáp nhập để thành lập 3 xã mới gồm: xã Tế Tân và Tế Nông đã sáp nhập thành xã Tế Nông; xã Yên Mỹ và Công Bình sáp nhập thành xã Yên Mỹ; xã Trung Chính và Trung Ý sáp nhập thành xã Trung Chính.
Theo quyết định của UBND huyện Nông Cống, bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, các xã này sẽ thực hiện sáp nhập trường tiểu học và THCS theo đơn vị hành chính mới. Cụ thể, Trường Tiểu học và THCS xã Trung Ý cũ được sáp nhập về Trường Tiểu học và THCS Trung Chính; Trường Tiểu học Tế Tân cũ sáp nhập về Trường Tiểu học Tế Nông; còn học sinh THCS Tế Nông sẽ sang học tại Trường THCS xã Tế Tân. Sau khi sáp nhập, phụ huynh không phải đóng góp bất kỳ khoản xã hội hóa nào. Cự ly nơi xa nhất giữa 2 địa điểm cũ và mới là khoảng 4km.
Tại Trường Tiểu học Trung Chính, tổng số học sinh sau khi sáp nhập là 446 học sinh bao gồm 150 học sinh của Trường Tiểu học Trung Ý cũ và 296 học sinh của Trường Tiểu học Trung Chính cũ. Tại Trường Tiểu học Tế Nông, tổng số học sinh sau sáp nhập là 598 em, trong đó bao gồm 220 học sinh của Trường Tiểu học Tế Tân cũ và 378 học sinh của Trường tiểu học Tế Nông cũ.
Mặc dù phương án này đã được tuyên truyền, phổ biến cho người dân từ khi thực hiện sáp nhập xã, nhưng từ ngày 1-9, sau khi nhận được thông báo chuyển trường, hàng trăm người dân các xã Tế Nông, Trung Chính đã phản đối, không cho nhà trường di chuyển bàn ghế đến nơi học mới. Không chỉ vậy, dù đã bước vào năm học mới được gần một tuần nhưng nhiều phụ huynh vẫn không cho con em mình được đến trường. Còn tại xã Yên Mỹ thuộc xã vùng khó, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn hơn nhưng sau khi thực hiện sáp nhập gần 100% phụ huynh đã đưa con em mình đến trường đi học đầy đủ.
Theo ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống: Việc sáp nhập các trường THCS và Tiểu học thuộc các xã Trung Chính, Tế Nông, Yên Mỹ nằm trong lộ trình chung của việc thực hiện Nghị quyết 786 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, các xã có hai tiêu chí về dân số và diện tích không đạt 50% theo tiêu chí chung được Quốc hội quy định phải tiến hành sáp nhập. Phần lớn công tác sáp nhập trường đã hoàn thành tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận phụ huynh học sinh của các trường Tiểu học Trung Chính, Tiểu học Tế Nông phản đối việc sáp nhập trường. Bên cạnh đó, có một số người dân không đồng thuận từ khi sáp nhập xã (năm 2019). Một số hộ gia đình kinh doanh bán hàng cạnh trường học (Tế Tân cũ) vì lợi ích cá nhân, đã nhân sự việc này kích động trên mạng xã hội, ngăn cản phụ huynh đưa con đến trường. Nhiều phụ huynh không cho con đến trường vì còn “chờ cả làng” vì sợ bị cô lập nếu cho con em mình đến trường. Một số bậc phụ huynh vẫn muốn cho con đến trường theo chủ trương sáp nhập trường thì lại bị chính những bậc phụ huynh khác phản đối.
Một trong rất nhiều lý do người dân biện minh cho hành động của mình chính là không được thông báo về lộ trình sáp nhập trường và sợ con em phải đi lại xa, vất vả, không có người đưa đón. Bà Bùi Thị Hoa, ở thôn 2, xã Tế Nông bức xúc: Khi sáp nhập trường, phụ huynh phải đưa đón con 4 lượt đi về trong ngày, mỗi lượt đi về gần 4km, rất vất vả, mất thời gian. Nhất là, đối với gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa; hoặc làm công nhân trong công ty phải đi sớm, về muộn, trẻ em ở nhà với ông bà già, không biết đi xe máy thì việc đưa đón con, cháu đi học gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi học sinh tiểu học chưa thể tự đi xe đạp đến trường được.
Các bậc cha mẹ, người dân các xã Tế Nông, Trung Chính cương quyết ngăn cấm con em mình được đến trường dẫn đến hàng trăm học sinh đang phải ở nhà cho dù năm học đã bắt đầu từ cách đây gần 1 tuần. Thay vì đến trường để học tập, những ngày này các em buộc phải quanh quẩn trong nhà, chơi với tivi, điện thoại. Trên những khuôn mặt còn non trẻ, hiển hiện nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và mong muốn được đi học trở lại. Mặc cho đến thời điểm này, UBND huyện Nông Cống, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có hàng chục văn bản trả lời khẳng định việc sáp nhập trường là đúng với quy định, cũng như lộ trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng người dân vẫn tiếp tục bất hợp tác bằng phản ứng tiêu cực là cấm con em mình đến trường.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống đã có văn bản báo cáo Thường trực Huyện ủy, UBND và Ủy ban MTTQ huyện tiếp tục chỉ đạo các xã Trung Chính, Tế Nông tích cực tuyên truyền, phân công cán bộ xã đến từng thôn, đến từng người dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Vận động phụ huynh đưa con em đến trường học tập. Chỉ đạo lực lượng công an các xã nắm bắt địa bàn, xử lý nghiêm đối với những kẻ xúi giục và cản trở người dân không cho con em đi học. Bên cạnh đó, Phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang tiếp tục cử cán bộ, chuyên viên bám sát, nắm bắt tình hình. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các trường cử giáo viên đến từng gia đình, vận động phụ huynh đưa con em đến trường.
Trường Tiểu học Trung Ý cũ.
Việc sáp nhập các trường là chủ trương đúng, phù hợp với sự phát triển giáo dục, kinh tế và xã hội của địa phương. Tuy nhiên, một số người dân mặc dù đã được tuyên truyền, giải thích nhưng vẫn không đồng thuận. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương, mà còn gây cản trở đối với hoạt động của các nhà trường, mà người bị thiệt hại trước hết lại chính là những em học sinh đang bị cha mẹ mình ngăn cản đến trường.