Cần 'trao' cho người tài 'đề bài' hấp dẫn và không gian sáng tạo thật sự

Thu hút nhân tài không thể chỉ bằng đãi ngộ, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Chính phủ cần 'trao' cho người tài một 'đề bài' đủ thách thức, một không gian sáng tạo và một thể chế dám trao quyền.

LTS: Ngày 6/7/2025, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo chỉ đạo "nóng" của Tổng Bí thư Tô Lâm: giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng hai tháng phải trình cơ chế đãi ngộ "vượt khung" để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7/2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu "xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt" cho đội ngũ "tổng công trình sư", "kiến trúc sư trưởng", những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI, bán dẫn, vật liệu mới.

Làm thế nào để các chỉ đạo của Tổng Bí thư thành hiện thực, nhằm phát triển đất nước? Tạp chí điện tử VietTimes mở diễn đàn MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI để tiếp nhận ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước.

Góp ý với diễn đàn MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI dưới đây, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đề xuất những giải pháp then chốt để hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư trong việc thu hút nhân tài trong và ngoài nước tới Việt Nam làm việc, cống hiến.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng hai tháng phải trình cơ chế đãi ngộ “vượt khung” để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Đây không chỉ là một chỉ đạo mang tính chiến lược, mà còn là lời khẳng định rằng: muốn phát triển bền vững, Việt Nam phải biết trọng dụng người tài.

Trong bối cảnh đất nước đang khẩn trương xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, tôi cho rằng câu hỏi đặt ra không chỉ là mời ai, mà là mời bằng cách nào mà phải đặt câu hỏi Chính phủ cần “trao” cho nhân tài cái gì để thu hút họ về nước, ở lại quê hương cống hiến?

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: Quốc hội.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: Quốc hội.

Trước hết, muốn thu hút và phát huy nhân tài, chúng ta phải thay đổi tư duy từ đãi ngộ sang giao sứ mệnh; từ kiểm soát sang tin cậy; từ những lời kêu gọi sang hành động cụ thể. Chỉ khi có chính sách đúng, cơ chế thông thoáng và môi trường sáng tạo, nhân tài mới thực sự cống hiến và đưa đất nước phát triển bền vững.

Chiến lược thu hút và phát triển nhân tài của Việt Nam vốn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng từ rất sớm. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người đã đăng tải hai bài viết nổi tiếng trên báo Cứu quốc với nhan đề "Tìm người tài đức" và "Nhân tài và kiến quốc", thể hiện rõ quan điểm trọng dụng người hiền tài. Những trí thức lớn như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của… là minh chứng sống động cho tư tưởng ấy.

Để thu hút người Việt tài năng về nước, cần thực hiện những chính sách cụ thể, mạnh dạn và đột phá, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số. Nhân tài không thể "mua" được bằng tiền mà phải giữ bằng niềm tin và môi trường làm việc thuận lợi. Chính sách thưởng tiền cho tiến sĩ, giáo sư khi về nước là chưa đủ, quá thiên về vật chất. Các nhà khoa học, những người tài quan tâm đến điều kiện làm việc, đến sự tin tưởng trao quyền hơn là tiền bạc.

Chính phủ cần "trao" cho người tài một “đề bài hấp dẫn” và một “không gian sáng tạo” thực sự. Chúng ta đang thiếu chính sách đặt hàng. Cần đặt hàng cụ thể cho người tài, cho các nhà khoa học. Thay vì nhốt họ vào khung biên chế, kiểm soát giờ làm việc, gò bó trong hành chính, cần giao sứ mệnh, tạo môi trường để họ thấy mình được tin tưởng, được tạo điều kiện để sáng tạo và cống hiến. Một Chính phủ kiến tạo, dám cải cách, dám tin và dám trao quyền, mới là nơi mà nhân tài sẵn sàng gắn bó và cống hiến.

Tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hai con đường cơ bản để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:

Thứ nhất là chiêu hiền đãi sĩ (thu hút nhân tài từ bên ngoài), Việt Nam cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng để mời gọi người Việt ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là cách mà Mỹ, Nhật Bản hay nhiều quốc gia phát triển đang làm hiệu quả. Chủ trương thu hút khoảng 100 chuyên gia giỏi về khoa học công nghệ là một bước đi chiến lược và ông tin rằng, nếu có cơ chế, chính sách đúng đắn, sử dụng nhân tài phù hợp, mục tiêu này hoàn toàn có thể hiện thực hóa.

Thứ hai phát hiện sớm và chủ động đào tạo nhân tài: Đây là con đường mang tính chủ động và bền vững hơn. Chúng ta phải sớm phát hiện nhân tài ngay từ khi các em còn nhỏ tuổi, từ các thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sinh viên xuất sắc, hay các em đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Thay vì chỉ khen thưởng, cần tập hợp, đào tạo bài bản, thậm chí đưa đi học ở nước ngoài.

Việc đào tạo chuyên gia cho các lĩnh vực chiến lược như công nghệ hạt nhân, đường sắt tốc độ cao, năng lượng, dầu khí, viễn thông… là điều không thể chờ đợi từ bên ngoài. Phải có cơ quan chuyên trách làm điều đó, kiến nghị với Chính phủ để đào tạo. Như vậy mới có đội ngũ chủ động và làm cho đất nước phát triển bền vững chứ Việt Nam không thể thụ động chờ đợi nguồn lực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay vẫn nằm ở thể chế, chính sách và cơ sở pháp lý. Chúng ta có đường lối, cương lĩnh, quan điểm rất rõ ràng, nhưng vướng mắc hiện tại là về mặt pháp lý.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhằm tạo môi trường thông thoáng, không kìm hãm sự phát triển. Nếu cơ chế vẫn còn trói buộc, tư duy quản lý vẫn nặng về kiểm soát thay vì trao quyền, thì dù có nhân tài, họ cũng khó có thể cống hiến hết mình.

Bên cạnh việc đào tạo chuyên gia, cũng lưu ý rằng, mặc dù việc phổ cập kiến thức về chuyển đổi số thông qua các phong trào như “bình dân học vụ số” là quan trọng, nhưng để đất nước phát triển “nhanh như vũ bão”, cần phải có những lực lượng hiện đại, chuyên gia cực giỏi ở các lĩnh vực mũi nhọn.

Để thực hiện điều đó, cần kiểm kê lại toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia hiện có trong và ngoài nước, từ đó xây dựng hệ thống chính sách sử dụng và trọng dụng một cách hiệu quả. Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò của đội ngũ chuyên gia trong đời sống chính trị – xã hội, tạo điều kiện để họ tham gia vào quá trình quyết sách, qua đó tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ.

Kêu gọi phát huy tinh thần yêu nước là cần thiết nhưng chưa đủ. Muốn thu hút và giữ chân nhân tài, phải có những hành động và chính sách cụ thể. Nhân tài chỉ có thể phát triển mạnh mẽ trong một thể chế thực sự trọng dụng, trao quyền thật sự và dám chấp nhận sự khác biệt.

Các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức – họ không thiếu khát vọng. Nhiều người luôn mong muốn được cống hiến cho đất nước, được góp phần vào sự phát triển của dân tộc. Vấn đề là chúng ta có tạo được môi trường để họ phát huy hết khả năng hay không.

Phát triển khoa học công nghệ không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực bên ngoài. Đảng và Nhà nước cần đề cao ý chí tự lực tự cường, đầu tư bài bản để đào tạo nguồn nhân lực trong nước. Đồng thời, chính các nhà khoa học cũng phải nuôi dưỡng tinh thần tự tin vào trí tuệ Việt Nam, không mặc cảm, không tự ti.

Việc thu hút người tài từ bên ngoài là cần thiết, nhưng không thể thay thế cho việc phát huy nội lực. Phải khơi dậy và phát huy thế mạnh của con người Việt Nam – một dân tộc thông minh, sáng tạo, có bản lĩnh và khát vọng vươn lên. Người Việt Nam không hề kém cỏi, chỉ cần được tin tưởng, trao cơ hội và tạo điều kiện, họ sẽ làm nên những điều lớn lao.

Tôi tin rằng, đột phá về thể chế, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại là ba yếu tố then chốt, mang tính quyết định cho sự phát triển bứt phá của đất nước trong giai đoạn tới.

Quỳnh An (Ghi)

Lời mời góp ý với Diễn đàn “MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI”

Tạp chí điện tử VietTimes trân trọng mời quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước gửi ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vui lòng gửi bài viết và ý kiến về diễn đàn “MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI” theo địa chỉ: toasoan@viettimes.vn

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/can-trao-cho-nguoi-tai-de-bai-hap-dan-va-khong-gian-sang-tao-that-su-post187941.html