Cẩn trọng đà tăng nóng của cổ phiếu UPCOM

Dù sàn UPCOM có biên lợi nhuận và không thiếu cổ phiếu tốt, nhưng tính thanh khoản thấp, tiêu chuẩn minh bạch không cao, nên giới chuyên gia vẫn khuyến nghị giới đầu tư (đặc biệt là những nhà đầu tư F0) cẩn trọng.

Với biên độ tăng, giảm lên đến 15%, hầu như lại có mức thị giá vừa phải, thị trường UPCOM luôn được coi là “mảnh đất” hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là những ai không dày vốn, muốn tỷ suất lợi nhuận cao. Thống kê nhanh cho thấy sàn UPCOM có đến 38 mã cổ phiếu tăng hơn 100% tính từ đầu năm đến nay, vượt trội hơn hẳn so với sàn HNX (7 mã) và HoSE (4 mã). Dù vậy, UPCOM là thị trường vàng thau lẫn lộn, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi nhìn vào đà tăng của từng mã cổ phiếu.

Ví dụ tiêu biểu nhất là mã HFX của CTCP Sản xuất – Xuất nhập khẩu Thanh Hà (+531,58%) đang chỉ được giao dịch trong các phiên thứ Sáu hàng tuần do nằm trong diện cảnh báo bởi tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong 3 năm liên tiếp trở lên. Bên cạnh đó, hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu âm 253,8 tỷ đồng (theo BCTC kiểm toán năm 2023). Mặt khác, kiểm toán cũng nhấn mạnh về việc nợ ngắn hạn công ty vượt quá tổng tài sản ngắn hạn. Kiểm toán đã đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty trong tương lai gần.

Một cổ phiếu khác là GGG của CTCP Ô tô Giải Phóng trong quý I/2024 ghi nhận lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng. Qua đó ghi nhận 9 quý lỗ ròng liên tục. Bất chấp điều đó, GGG tính từ đầu năm đến nay để lại dấu ấn khi tăng đến 300%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vừa qua, các cổ đông GGG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, tăng gấp hơn 500 lần so với thực hiện năm trước. Đáng chú ý, doanh thu từ bất động sản dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng; doanh thu từ kinh doanh ô tô dự kiến đạt 300 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, công ty dự kiến lãi trước thuế 60 tỷ đồng, qua đó dứt mạch thua lỗ 13 năm liên tiếp.

Việc đầu tư trên sàn UPCOM rất khó và cần nhiều đến sự nhạy bén

Việc đầu tư trên sàn UPCOM rất khó và cần nhiều đến sự nhạy bén

Tương tự, ICF của CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản cũng ghi nhận tăng 128% tính từ đầu năm đến nay. Dù vậy, BCTC quý I/2024 cho thấy ICF báo lỗ gần 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp cổ phiếu tăng mạnh dù KQKD không mấy tích cực như mã FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (+100%), song KQKD quý I/2024 lỗ gần 42,7 tỷ đồng; DDM của CTCP Hàng Hải Đông Đô (+140%) dù quý I/2024 báo lỗ gần 30,7 tỷ đồng…

Xưa nay thị trường UPCOM luôn được coi là nơi tập hợp những doanh nghiệp bị hủy niêm yết buộc phải đăng ký giao dịch dưới sàn này, hoặc là địa điểm “trung chuyển” cho các công ty chưa đủ tiêu chuẩn lên sàn HoSE hoặc HNX. Dù vậy, với lớp lớp nhà đầu tư mở tài khoản tham gia thị trường chứng khoán, sàn UPCOM cũng là “hấp lực” nhất định với một bộ phận nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư “nhỏ lẻ”.

Một số liệu cho thấy khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân tháng 6 trên thị trường UPCOM đạt xấp xỉ 81,60 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch (GTGD) bình quân đạt gần 1.592 tỷ đồng/phiên, giảm 0,60% về KLGD và tăng 19,95% về GTGD so với tháng 5/2024. Trong đó, phiên giao dịch có KLGD cao nhất tháng đạt 127,9 triệu cổ phiếu tại ngày 21/6/2024. Phiên giao dịch có GTGD cao nhất tháng với hơn 2.500 tỷ đồng thuộc về ngày 24/6/2024.

Ngoài những cổ phiếu đề cập đầu bài viết, thị trường này tiềm ẩn nhiều cổ phiếu chất lượng với nền tảng KQKD tốt, tình hình tài chính lành mạnh như VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (cổ phiếu tăng 332,48%), MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (+149,5%), FOX của CTCP Viễn thông FPT (+103,74%)…

Dù vậy, với một thị trường vàng thau lẫn lộn như UPCOM, việc sàng lọc, tìm kiếm cổ phiếu tốt để đầu tư không dành cho “tay mơ”, hoặc những nhà đầu tư chỉ chạy theo sóng “FOMO” mua bất chấp.

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia khẳng định yếu tố đầu tiên nhà đầu tư cần để tâm là doanh nghiệp có đầy đủ các báo cáo theo quy định như báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm, báo cáo tình hình quản trị, báo cáo thường niên… Đây là những báo cáo đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần biết một số chỉ số tài chính cơ bản như ROA, ROE, D/E (nợ/vốn chủ sở hữu), P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), P/B (giá/giá trị sổ sách) nhằm có thể so sánh những cổ phiếu này đối với các doanh nghiệp đầu ngành (nếu niêm yết) hoặc chỉ số nhóm.

Còn trong trường hợp nhà đầu tư chỉ đơn thuần muốn “trading” mua vào/bán ra, thì tiêu chí cần để lên hàng đầu là thanh khoản cổ phiếu. Bởi với biên độ tăng cao lên đến 15%, đi cùng với khả năng sinh lợi hấp dẫn của cổ phiếu còn là rủi ro thua lỗ, thậm chí “đọng vốn” khi không thể bán ra. Thống kê cho thấy, có rất nhiều mã UPCOM tăng đến hàng ngàn, hàng trăm phần trăm song khối lượng cổ phiếu trung bình 2 tuần trở lại đây chỉ vài chục đến vài ngàn cổ phiếu.

Rủi ro thanh khoản cũng là nguyên nhân chính khiến sàn HoSE hay HNX hấp dẫn hơn nhiều so với UPCOM. “Dù biên độ tăng thấp hơn, song với thanh khoản dồi dào và tốt hơn, tính minh bạch cao hơn, tôi nghĩ những người mới “vào” thị trường chứng khoán, nên đầu tư ở sàn HoSE và HNX”, vị chuyên gia trên nói.

Một nhà đầu tư có thâm niên chia sẻ, việc đầu tư trên sàn UPCOM rất khó và cần nhiều đến sự nhạy bén. “Tôi quan sát thấy có hiện tượng ở một số mã cổ phiếu trên sàn UPCOM tăng nóng. Để giữ chân nhà đầu tư ở lại, HĐQT nhiều đơn vị thậm chí còn mở room cổ đông để chia sẻ, hứa hẹn các kế hoạch trong tương lai. Điểm chung dễ nhận thấy thì đây hầu hết đều là các công ty có thị giá thấp song đều có tham vọng chào bán cổ phiếu tăng vốn với giá 10.000 đồng/CP”.

Đức Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-trong-da-tang-nong-cua-co-phieu-upcom-153331.html