Cẩn trọng lời đồn thải độc bằng nước cốt chanh
Trào lưu dùng nước cốt chanh vào buổi sáng khi bụng còn trống rỗng nhằm thải độc đang lan truyền và được nhiều người làm theo. Tuy nhiên, phương pháp này chưa có bằng chứng khoa học, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn.
Lợi bất cập hại nếu lạm dụng
Gần đây, cách thức uống cốt chanh vào sáng sớm khi bụng còn trống rỗng đang trở thành trào lưu với lời đồn thổi "thải độc", "chữa bách bệnh".

Do hàm lượng axit trong chanh cao nên nếu uống quá nhiều cốt chanh hoặc uống lúc đói có thể gây viêm loét dạ dày, trào ngược, ợ nóng… (ảnh minh họa).
Trên trang FB cá nhân tên N.T chia sẻ: "Nên tập uống cốt chanh từ 1 - 5 quả, 5 - 10 quả sau khi ngủ dậy, sau 60 phút mới nên ăn. Axit dạ dày mạnh hơn axit chanh 2 tỷ lần nên axit chanh không thể ảnh hưởng dạ dày. Bụng rỗng, uống cốt chanh, an toàn. 1 tháng khỏi hết dạ dày, trào ngược, đại tràng. Uống cốt chanh giúp răng trắng hơn, khỏe hơn, không còn cao răng, không còn viêm lợi hay chảy máu chân răng nữa".
Người này chia sẻ thêm, "chanh thải độc gan mạnh nhất nên gan sẽ lôi những chất độc giấu kỹ ra và chỉ huy thận đào thải qua nước tiểu và mồ hôi... Vài hôm thải hết là da đẹp, dáng xinh, trẻ ra 5 - 10 tuổi". Dưới bài đăng, nhiều người chia sẻ đã làm theo, thậm chí tăng liều cao cốt chanh (10 - 15 quả/lần uống).
Theo BS Đoàn Thu Hồng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chanh chứa hàm lượng vitamin C cao - khoảng 18,6mg, tương đương 21% lượng khuyến nghị vitamin C hằng ngày của cơ thể.
Vitamin C và các hợp chất thực vật (flavonoid) trong chanh đóng vai trò là một chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
Chúng cũng giúp tăng lượng chất béo tốt và giảm lượng chất béo xấu nên tốt cho sức khỏe tim mạch. Axit citric trong chanh giúp tăng thể tích nước tiểu, tăng độ pH làm cho nước tiểu ít axit hơn, giúp ngăn ngừa sỏi thận.
Tuy vậy, nếu uống quá nhiều mỗi ngày, uống lúc đói hay uống nước cốt chanh mà không pha loãng với nước lọc đều có thể gây bất lợi cho sức khỏe.
Nhiều hệ lụy
Theo BS Hồng, do hàm lượng axit trong chanh cao nên nếu uống quá nhiều, uống cốt chanh hoặc uống lúc đói có thể gây viêm loét dạ dày, trào ngược, ợ nóng… Axit citric trong chanh còn làm mòn men răng, khiến răng nhạy cảm, ê buốt, dễ sâu răng, yếu răng.
Ngoài ra, việc cơ thể tiêu thụ quá nhiều vitamin C cũng sẽ gây hại cho răng miệng; tăng triệu chứng trào ngược axit; tăng các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng hay làm trầm trọng các vết loét miệng.
Cùng quan điểm, BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đây là cách làm nhiều tác hại hơn lợi ích.
"Uống nước cốt chanh khi bụng đói có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, không chữa viêm dạ dày, trào ngược thực quản như một số người nói. Cơ thể chúng ta tự làm sạch. Hệ tiêu hóa, gan và thận chính là các cơ quan thải độc.
Chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định nước cốt chanh thải độc cho cơ thể. Vì vậy, người dân không nên học theo thói quen "nghe nói" trên mạng làm theo", BS Hưng khuyến cáo.
Theo BS, những người không có dấu hiệu viêm dạ dày có thể uống nước chanh vào buổi sáng nhưng không nên uống nước cốt. Có thể uống một cốc nước ấm, vắt thêm nửa quả chanh, pha mật ong hoặc chút muối tùy theo khẩu vị.
"Để khởi động hệ tiêu hóa vào buổi sáng, có thể uống một cốc nước lọc ấm khoảng 200ml hoặc cốc sữa là đủ. Uống nước sau khi ngủ dậy kích thích nhu động ruột và giúp đại tiện đều đặn hơn", ông Hưng cho biết.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ
BV Bạch Mai từng tiếp nhận ca vỡ trực tràng do thải độc bằng cách thụt cà phê đại tràng. Bệnh nhân buộc phải chịu 2 ca phẫu thuật trong quá trình điều trị.
BS Lê Mạnh Cường, Phó chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam chia sẻ, thụt cà phê đại tràng từng được quảng cáo thổi phồng về công năng giúp thanh lọc cơ thể, chống ung thư, trẻ hóa. Dù biện pháp này được một nhà khoa học Đức đưa ra từ rất lâu nhưng thực tế chưa được minh chứng khoa học, chưa được công nhận.
Tuy nhiên, biện pháp này vẫn được quảng cáo thổi phồng và để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Điều nguy hiểm nhất là sau một thời gian thực hiện thải độc đại tràng theo phương pháp này là làm mất phản xạ đại tiện.
Trên thực tế, BS Cường đã thăm khám và điều trị rất nhiều bệnh nhân bị mất phản xạ, mất chức năng buồn đại tiện vì lý do này. Việc khắc phục hậu quả này không hề dễ, thậm chí, không phục hồi được.
Tương tự với trào lưu thải độc bằng việc uống nước muối, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng việc uống một lượng nhỏ nước muối có thể giúp kích thích tiêu hóa bằng cách tăng tiết dịch vị và enzyme tiêu hóa.
Tuy nhiên, việc dùng thường xuyên, coi đó là phương pháp thải độc sẽ để lại nhiều hệ lụy như gây tăng huyết áp, gây tổn hại cho thận, mất cân bằng điện giải trong cơ thể, dẫn đến tình trạng buồn nôn, chóng mặt. Trong trường hợp nặng, có thể dẫn tới co giật hoặc mất ý thức.
"Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào liên quan đến sức khỏe, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Tốt nhất là duy trì một lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh để hỗ trợ chức năng thải độc tự nhiên của cơ thể, tránh những rủi ro không đáng có", BS Hồng khuyến cáo.