Cần ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe tiêu hóa

Ưu tiên sức khỏe tiêu hóa được nhận định là điều tối quan trọng để nuôi dưỡng sức khỏe tổng thể và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nó có giúp chúng ta chủ động quản lý sức khỏe của mình, giảm thiểu nguy cơ rối loạn tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ những kiến thức liên quan về dinh dưỡng và tiêu hóa tại chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới.

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ những kiến thức liên quan về dinh dưỡng và tiêu hóa tại chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới.

Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới (29/5) hằng năm, Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) khởi xướng chiến dịch y tế công cộng trên toàn thế giới nhằm truyền thông kiến thức đến công chúng và y giới về việc phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa.

Từ năm 2022, hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới, Báo Sức khỏe và Đời sống đồng hành cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức phát động chương trình truyền thông thường niên nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp cộng đồng có nhận thức đúng về ý nghĩa của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh tự nhiên, từ đó giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

Chủ đề của Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2024 là Ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe tiêu hóa. Theo đó, ưu tiên sức khỏe tiêu hóa được nhận định là điều tối quan trọng để tăng cường sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Hệ thống tiêu hóa đóng vai trò tiêu hóa, hấp thu và cung cấp các dưỡng chất quan trọng, cần thiết cho mọi quá trình sống cũng như duy trì phát triển các chức năng của các hệ cơ quan và tăng cường sức khỏe tối ưu. Bằng cách ưu tiên sức khỏe tiêu hóa, chúng ta có thể chủ động quản lý sức khỏe của mình, giảm thiểu nguy cơ rối loạn tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe liên quan, để có một sức khỏe tổng thể tốt, một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc.

Tổng Biên tập báo Sức khỏe và Đời sống Trần Tuấn Linh chia sẻ tại chương trình truyền thông.

Tổng Biên tập báo Sức khỏe và Đời sống Trần Tuấn Linh chia sẻ tại chương trình truyền thông.

Tại chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới được tổ chức sáng 29/5, nhà báo Trần Tuấn Linh, Tổng Biên tập báo Sức khỏe và Đời sống cho biết: chương trình truyền thông năm nay có thông điệp “Khỏe tiêu hóa-bụng cười đời tươi” mang ý nghĩa khuyến khích người dân chủ động chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa bởi một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giúp cơ thể hấp thu đầy đủ dinh dưỡng, từ đó xây dựng sức đề kháng khỏe để phòng chống bệnh tật. Đó chính là tiền đề của cơ thể khỏe mạnh.

Để xây dựng nên sức khỏe tổng thể vững vàng, bên cạnh sức đề kháng khỏe, khả năng hấp thu tốt các chất dinh dưỡng của đường ruột còn giúp cơ thể đào thải độc tố tốt hơn, từ đó giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ, tinh thần vui tươi, phấn chấn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh, hệ tiêu hóa rất quan trọng với sức khỏe con người, chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối, phù hợp với từng cá thể là rất cần thiết.

Tiêu hóa là quá trình các chất dinh dưỡng trong thực phẩm được tiêu hóa và hấp thu để cơ thể sử dụng. Khi đó các chất dinh dưỡng phải chia cắt thành các phân tử đơn giản hơn và nhỏ hơn trước khi chúng có thể đi vào tế bào.

Hệ tiêu hóa bao gồm ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa tiết các men đổ vào ống tiêu hóa. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp hấp thu sử dụng các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, nếu sức khỏe một trong các bộ phận của hệ tiêu hóa bị tổn hại, sẽ gây suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng các cơ quan, có thể đối mặt với những hậu quả lớn về sức khỏe.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương lưu ý, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể dẫn đến chứng rối loạn vi khuẩn, có liên quan đến các tình trạng như: béo phì, viêm ruột, bệnh celiac, ung thư ruột kết. Hệ thống niêm mạc ruột chỉ gồm một lớp tế bào để bảo đảm việc hấp thu nhanh dưỡng chất, nước và các chất điện giải cung cấp cho nhu cầu cơ thể. Để bảo vệ "biên giới" mỏng manh này, cơ thể thích nghi bằng cách tập trung các mô miễn dịch phía dưới niêm mạc ruột để kịp thời tối ưu hóa đáp ứng miễn dịch một cách liên tục. Các mô này cũng tiết kháng thể IgA để bảo vệ lớp màng nhầy thành ruột không bị tổn thương trong quá trình tiêu hóa.

Miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khỏe mạn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư…

Để có đường ruột khỏe mạnh thì vai trò của chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng đúng và đủ giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật. Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng giúp thúc đẩy một hệ vi sinh vật đường ruột có cấu trúc tốt, trong đó các loài vi sinh vật khác nhau cùng tồn tại trong một hệ thống kiểm soát và cân bằng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-uu-tien-hang-dau-cho-suc-khoe-tieu-hoa-post811639.html