Cần xây dựng Bộ tiêu chuẩn tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global - Vietnam cho rằng, cùng với sự phát triển của nhu cầu hoạch định tài chính cá nhân và thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam hiện nay, rất cần xây dựng Bộ Tiêu chuẩn tư vấn bảo hiểm và tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Ngọc Lan thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global – Vietnam.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global – Vietnam.

Là người có nhiều năm làm việc với ngành bảo hiểm trong nước cũng như các tập đoàn bảo hiểm thế giới, ông có thể chia sẻ những thông tin về tiêu chuẩn nhân sự mà các công ty bảo hiểm nhân thọ ở các thị trường phát triển đang áp dụng? Việt Nam có thể học tập và áp dụng các tiêu chuẩn này như thế nào?

Tại các nước phát triển, chuyên gia tư vấn tài chính (Financial Advisor) là một nghề nghiệp chuyên môn cao (profession), tương tự như các nghề nghiệp luật sư, bác sỹ, cố vấn đầu tư, chuyên gia thuế...

Ngành dịch vụ tài chính (Financial Services Industry) luôn được quản lý nghiêm ngặt tại các nước. Thông thường, ai cũng có quyền chia sẻ ý kiến (Opinion) của mình về các chủ đề liên quan đến đầu tư, nhưng không phải ai cũng được phép cho lời khuyên (Advice) về tài chính nếu không có đủ năng lực chuyên môn theo quy định pháp luật. Tiêu chuẩn để hành nghề tư vấn tài chính gồm:

Trình độ học vấn (Education): Không có quy định bắt buộc phải tốt nghiệp đại học, nhưng việc có trình độ học vấn cao sẽ là một ưu thế cho nghề này.

Giấy phép hành nghề (Professional Lisences) - để được phép tư vấn bảo hiểm, các sản phẩm đầu tư (chứng khoán, chứng chỉ quỹ...), các chuyên gia tư vấn tài chính phải có các giấy phép hành nghề theo quy định, trong đó giấy phép hành nghề đại lý bảo hiểm thường có hiệu lực 2 năm và để gia hạn, người tư vấn tài chính cần tham gia khóa học củng cố và cập nhật kiến thức (24 tiếng học tập).

Chứng nhận và chứng chỉ chuyên môn (Certifications and Designations): Người chuyên gia tư vấn tài chính có thể nâng cao uy tín của bản thân trước khách hàng bằng cách học tập và đạt các chứng nhận và chứng chỉ chuyên môn của ngành.

Các chứng chỉ phổ biến nhất là CFP (Certified Financial Planner: Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận) và ChFC (Chartered Financial Consultant: Chuyên gia tư vấn tài chính đạt chuẩn).

Kinh nghiệm và kỹ năng (Background and Skills): Những chuyên gia tư vấn tài chính cần có kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng làm việc, kỹ năng sống phù hợp.

Cùng với sự phát triển của nhu cầu hoạch định tài chính cá nhân và thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam hiện nay, rất cần xây dựng Bộ Tiêu chuẩn tư vấn bảo hiểm và tư vấn tài chính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện đội ngũ tư vấn nhằm mang đến sự đảm bảo an toàn tài chính phù hợp nhất cho khách hàng.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng bộ tiêu chuẩn nào để tư vấn cho khách hàng?

Trước tiên, cần phải nói rõ rằng, các bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp tại các nước đều không nằm trong các quy định pháp luật, mà phần lớn được xây dựng bởi các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp của những người hành nghề tương ứng.

Bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp được xem là một công cụ tham chiếu giúp những người hành nghề xác định được lộ trình phát triển bản thân đạt được thành công và bền vững trong nghề nghiệp, khác với các điều kiện hành nghề (thường là tiêu chuẩn được yêu cầu ở mức tối thiểu) được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Ở Việt Nam, hiện chưa có bất kỳ một tổ chức hiệp hội nghề nghiệp nào của người hành nghề trong ngành bảo hiểm, mà chỉ có Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là tổ chức của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Vì thế, trong suốt thời gian qua, cũng chỉ có các doanh nghiệp bảo hiểm tự xây dựng và đặt ra các tiêu chuẩn cho từng giai đoạn nghề nghiệp của người tư vấn bảo hiểm theo chiến lược riêng của họ và cũng vì là các tiêu chuẩn nội bộ nên thiếu tính phổ biến, khách quan, độc lập khi khách hàng có nhu cầu tham chiếu để chọn lựa một người tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp cho mình.

Chưa kể, việc tự đặt ra các tiêu chuẩn cũng tạo nên tình trạng sử dụng các tên gọi chức danh nghề nghiệp thiếu kiểm soát và tùy ý.

Khi chưa có giải pháp đồng bộ đến từ các bên có liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội của người hành nghề) thì mọi hành động như hiện tại chỉ là “giật gấu vá vai” mà thôi.

Chẳng hạn, công việc chính của đội ngũ kinh doanh tại các doanh nghiệp là tư vấn bảo hiểm cho khách hàng, trong các văn bản luật của Việt Nam gọi là “đại lý bảo hiểm” (Insurance Agent), nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lại đặt ra các chức danh gọi họ như là “tư vấn tài chính” (Financial Advisor), trong khi vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người tư vấn tài chính là rất rộng trong việc tư vấn/cố vấn khách hàng về xây dựng, quản lý các mục tiêu tài chính, danh mục đầu tư, thuế khóa…, chứ không phải chỉ là mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài ra, để là một người tư vấn tài chính - bảo hiểm, đòi hỏi người tư vấn phải nâng tầm bản thân thông qua việc nâng cao tiêu chuẩn năng lực hành nghề của mình một cách chuyên nghiệp với đạo đức nghề nghiệp được tuân thủ chặt chẽ.

Xây dựng lực lượng tư vấn toàn thời gian là một trong những giải pháp quan trọng để các công ty bảo hiểm có một đội ngũ tư vấn tài chính - bảo hiểm chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đội ngũ tư vấn bảo hiểm bán thời gian vẫn chiếm đa số, các công ty bảo hiểm vẫn chưa thực sự thành công trong chiến lược tuyển dụng đội ngũ tư vấn toàn thời gian. Ông nhận định gì về thực trạng này?

Nói một cách công bằng, trong những năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn bỏ ra rất nhiều nỗ lực, cả về thời gian và ngân sách, để xây dựng đội ngũ tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp, toàn thời gian. Nhiều chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ và phát triển đã được triển khai và đâu đó thu được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, như vậy chưa thể nói là thành công. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi có sự vào cuộc của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò định hướng và giám sát thị trường bảo hiểm của cơ quan chức năng, không chỉ là thực hiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm như hiện nay, mà còn là những người hành nghề trong ngành bảo hiểm.

Đã đến lúc cần có sự đầu tư xây dựng các hệ thống dữ liệu chung, quản lý các điều kiện hành nghề trong ngành.

Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, các tổ chức quản lý dữ liệu này như NIPR - National Insurance Producer Registry, NAIC - National Association of Insurance Commissioners… được thành lập bởi các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp bảo hiểm và hoạt động dưới mô hình tổ chức phi lợi nhuận (not-for-profit).

Toàn bộ nguồn thu phí cấp, gia hạn các giấy phép hành nghề đều được đưa về các tổ chức này và phân bổ lại cho các hoạt động nâng cao nhận thức đúng đắn về bảo hiểm trong xã hội.

Chỉ khi xã hội hiểu đúng và xem ngành dịch vụ tài chính, trong đó có tư vấn tài chính và tư vấn bảo hiểm, như một ngành nghề có giá trị, hữu ích, đáng trân trọng… thì tự khắc sẽ có người muốn làm chuyên nghiệp, làm toàn thời gian. Khi chưa có giải pháp đồng bộ đến từ các bên có liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội của người hành nghề) thì mọi hành động như hiện tại chỉ là “giật gấu vá vai” mà thôi.

Ngọc Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-xay-dung-bo-tieu-chuan-tu-van-bao-hiem-chuyen-nghiep-post347972.html