Cần xử phạt nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật!

Hơn chục năm trở lại đây, việc quảng cáo trên mạng xã hội nở rộ và thịnh hành. Kols (tạm dịch những người có sức ảnh hưởng trên không gian mạng) có thể kiếm bộn tiền một cách dễ dàng chỉ bằng việc chia sẻ vài dòng 'status' hoặc video clip quảng cáo một sản phẩm nào đó trên trang cá nhân. Danh tiếng đem lại tiền bạc cho người nổi tiếng. Nhưng đi kèm với đó là cả sự tai tiếng khi sản phẩm được 'thổi phồng' về công dụng lẫn chất lượng. Đó là chưa kể còn có hàng giả, ảnh hưởng nặng nề tới quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Nghề “hái” ra tiền?

Không chỉ các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh mà cả những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ một mặt hàng nào đó, có khi là nguồn hàng “xách tay” từ nước ngoài về, nếu có khả năng tài chính cũng sẵn sàng chi tiền để thuê các Kols lên bài quảng cáo trá hình với hình thức “dùng sản phẩm này thấy tốt, chia sẻ cùng mọi người”, không quên “tag” người bán được cho là “uy tín” vào. Chuyện quảng cáo trên mạng xã hội tới giờ đã trở nên nhan nhản, mở mạng ra là có thể thấy những bài đăng kiểu như vậy của những người được cho là Kols.

Theo tìm hiểu được biết, Kols sẽ được chia làm 3 nhóm: nhóm Celeb là những người có mức độ nhận diện công chúng cao nhất, thường là nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên…hoạt động trong lĩnh vực giải trí, có sức lan tỏa rộng rãi, thường được các doanh nghiệp nhắm đến làm gương mặt đại diện, đại sứ thương hiệu; nhóm Influencer là những người có khả năng tác động đến một nhóm đối tượng hoặc thị trường nhất định thông qua nền tảng mạng xã hội, có thể là doanh nhân, Vlogger, Tiktoker…; nhóm Mass Seeder là những người có ảnh hưởng trong các nhóm khách hàng nhỏ lẻ, lan tỏa sản phẩm đến các phân khúc thị trường cụ thể, tạo độ tin cậy cho người tiếp nhận, có thể là những người hay “review” ẩm thực, du lịch, sản phẩm tiêu dùng…Tùy vào mức độ ảnh hưởng mà chi phí thuê các Kols quảng cáo cũng khác nhau.

Trên website của một đơn vị tự giới thiệu là cung cấp dịch vụ “booking” Kols chuyên nghiệp đăng tải công khai bảng chi phí thuê Kols được ghi chú là mới nhất năm 2025, dao động từ 8 triệu đến 280 triệu đồng tùy vào Kols đó là ai. Trong đó cao nhất là Trấn Thành (280 triệu đồng), Hoa hậu Kỳ Duyên (200 triệu đồng), Noo Phước Thịnh (150 triệu đồng), diễn viên Quỳnh Kools (90 triệu đồng), NSƯT Chí Trung (30 triệu đồng), Rapper JustaTea (30 triệu đồng), Hậu Hoàng (12 triệu đồng)…

Những con số mà đơn vị này thống kê và đưa ra trong bảng báo giá dù chưa biết đúng-sai, thật-giả thế nào nhưng cũng cho thấy nhu cầu tìm Kols của doanh nghiệp và Kols cũng có thể xem là một nghề “hái” ra tiền dễ hơn nhiều những công việc khác khi một vài dòng chia sẻ trên mạng xã hội thôi có khi bằng thu nhập cả tháng, có khi cả năm của người làm công việc lao động bình thường.

Bán chữ “tín”, khó mua lại niềm tin

Tuy nhiên, có lẽ cũng bởi kiếm tiền dễ dàng quá nên nhiều người được xếp vào danh mục Kols đã sắn sàng đánh đổi uy tín, danh tiếng của mình để quảng cáo cho những sản phẩm mà chính họ có khi cũng chưa dùng, chưa biết rõ chất lượng, thậm chí “thổi phồng” công dụng theo theo những gì mà đối tác đặt hàng.

Câu chuyện về một số Kols quảng cáo sữa Hiup là một ví dụ. Sản phẩm sữa này từng bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính cách đây hơn 1 năm vì hành vi quảng cáo sai với công dụng sản phẩm. Gần đây, vụ việc này lại được nhắc lại rầm rộ trên mạng xã hội khi lực lượng chức năng vừa triệt phá một đường dây sản xuất hàng trăm loại sữa giả. Tuy không có tên trong đường dây này và hiện vẫn đang lưu hành bình thường trên thị trường nhưng vụ việc liên quan đến Hiup trước kia một lần nữa khiến dư luận không khỏi lo ngại về việc sản phẩm này từng được không ít Kols “thổi phồng” công dụng khi quảng cáo thì liệu chất lượng thật sự thế nào?

Diễn viên Vân Hugo từng xuất hiện trong video quảng cáo cho sản phẩm sữa Hiup - sản phẩm sau đó bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm.

Diễn viên Vân Hugo từng xuất hiện trong video quảng cáo cho sản phẩm sữa Hiup - sản phẩm sau đó bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm.

Sau hơn 1 năm, những hình ảnh, video clip, bài viết mà các Kols từng đăng tải để quảng cáo cho sản phẩm sữa này lại được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, trong số đó có nhiều gương mặt nghệ sĩ, biên tập viên quen thuộc như: diễn viên Vân Hugo, người mẫu Thúy Hạnh, diễn viên Trung Ruồi, diễn viên Lã Thanh Huyền, BTV Quang Minh, MC Hoàng Linh…

Trong một video clip, diễn viên Vân Hugo cho biết con trai mình trước kia thấp hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, từ ngày dùng sữa Hiup thì chiều cao đã thay đổi hẳn, cao thêm hơn 2cm, sau đó cô nhấn mạnh rằng: “Nếu ba mẹ nào còn chần chừ đắn đo, chính là đang làm chậm một chút quá trình phát triển của con mình đấy. Bây giờ còn cơ hội là phải mua ngay Hiup cho con uống, để cho con cao lớn và phát triển được chiều cao ở mọi giai đoạn nhé”.

Diễn viên Trung Ruồi cũng từng quảng cáo cho sữa Hiup

Diễn viên Trung Ruồi cũng từng quảng cáo cho sữa Hiup

Còn BTV Quang Minh thì cho biết cả 4 người con của anh đều uống 2 ly sữa này. mỗi ngày, nhờ vậy mà một bé ở độ tuổi 14-15 mà đã có chiều cao vượt trội so với bố. Hay như diễn viên Trung Ruồi cũng từng hùng hồn quảng cáo, cô con gái của mình mới 4 tuổi nhưng cao 110cm, vượt chuẩn WHO 7-8cm, đây là điều mà gia đình anh vô cùng hãnh diện và có được như vậy là nhờ được chăm sóc cẩn thận từ bữa ăn, giấc ngủ và đặc biệt là sữa tăng chiều cao Hiup.

Nam diễn viên gọi đây là “trợ thủ đắc lực” giúp bé phát triển chiều cao vượt trội, khẳng định sản phẩm được hàng triệu ông bố bà mẹ Việt tin dùng, chỉ cần đều đặn uống 2 ly mỗi ngày là có thể cao thêm từ 3cm đến 5cm, chỉ sau từ 3 đến 6 tháng sử dụng.

Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây 1 năm, công ty sản xuất sản phẩm sữa này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì quảng cáo sai sự thật, bị buộc cải chính thông tin, gỡ xóa nội dung quảng cáo vi phạm. Song các Kols vẫn nợ người tiêu dùng lời xin lỗi.

Cần chế tài xử phạt nghiêm minh

Đấy mới chỉ là sản phẩm bị xác định “thổi phồng” về chất lượng. Còn trở lại với hiện tại, trong số gần 600 loại sữa bị lực lượng chức năng xác định là hàng giả, có nhiều dòng sữa dành cho những người bị suy thận, tiểu đường, trẻ sinh non thiếu tháng và cả phụ nữ đang mang thai. Đáng trách là nhiều sản phẩm trong số bị xác định là sữa giả này từng được nhiều Kols tham gia quảng cáo nhiệt tình trên mạng xã hội như: diễn viên Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh.

Theo đó, Doãn Quốc Đam từng xuất hiện trong một video quảng cáo sữa cho trẻ từ 1 đến 15 tuổi và khẳng định hai vợ chồng anh đã tìm hiểu rất kỹ sản phẩm sữa này mới cho con uống vì thấy “đây là dòng sữa hàng đầu”, “nhà máy sản xuất sữa này đạt chứng nhận FDA của USA về sản xuất an toàn”, “công nghệ sản xuất vượt trội”, “quy trình sản xuất tiên tiến”…

Còn MC Hoàng Linh giới thiệu về một thương hiệu sữa với nhiều loại, dành cho nhiều người sử dụng khác nhau, từ phụ nữ có dự định mang thai, đang mang thai và cho con bú, đến những người sau phẫu thuật, gầy yếu, sức khỏe kém, trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa nhạy cảm, dị ứng sữa bò…

Với thực trạng quảng cáo tràn lan, thật giả lẫn lộn như hiện nay, có lẽ đã đến lúc người tiêu dùng phải "cảnh giác với các Kols" hơn cả sản phẩm mà mình định sử dụng bởi “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Và cũng đã đến lúc cơ quan chức năng cần siết chặt hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, có chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi được xác định là tiếp tay cho việc quảng cáo “thổi phồng”, sai sự thật về chất lượng và công dụng sản phẩm, thậm chí là tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng giả.

Ngọc Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-xu-phat-nghiem-nguoi-noi-tieng-quang-cao-sai-su-that-post609040.antd