Canada 'siết' phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, giữ đà xuất khẩu
Là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên Canada cũng là quốc gia thường xuyên sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thị trường xuất khẩu tiềm năng nhưng nhiều thách thức
Dẫn số liệu liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Canada đạt 2,37 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,7%; trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam đạt 261,3 triệu USD, tăng 7,8%.
Còn theo số liệu của Canada công bố ngày 7/6/2025, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,7 tỷ USD vào địa bàn, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam trở thành thị trường có tăng trường xuất khẩu vào Canada tốt thứ hai sau Brazil trong số 10 đối tác hàng đầu của Canada.
Có thể nói, sự tăng trưởng xuất khẩu sang Canada là kết quả rất tích cực trong quá trình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này đang tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục duy trì xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng trước các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi Canada đang gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Canada là nước sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất đối với hàng hóa Việt Nam trong khuôn khổ CPTPP. Trong đó, Canada hiện đứng thứ 4 thế giới về số lượng vụ việc điều tra, chỉ sau Hoa Kỳ, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng trong năm 2024, Canada đã khởi xướng 19 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam, trong đó có 12 vụ việc chống bán phá giá, 5 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc tự vệ.
Các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) là những công cụ có thể tạo ra rào cản đối với luồng hàng hóa nhập khẩu (thông qua việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và sau đó áp dụng biện pháp thuế bổ sung/hạn chế nhập khẩu). Đây là các biện pháp mà WTO cho phép nước nhập khẩu được sử dụng để đối phó với tình trạng hàng nhập khẩu từ nước ngoài bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt vào nước mình gây thiệt hại đáng kể hoặc nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Hiện tại, Canada đã và đang sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp, biện pháp tự vệ và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Trong khi biện pháp chống bán phá giá là để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh thì biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.
Theo luật pháp của Canada, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, các vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hay chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) thực hiện, theo quy định của Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu khẩu đặc biệt (SIMA) để xác định liệu hành vi bán phá giá, trợ cấp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có đang xảy ra hay không.
Nếu kết luận là có hành vi thương mại không công bằng, Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ sửa đổi biện pháp để mở rộng thuế với hàng hóa nhập khẩu là đối tượng của vụ việc điều tra. Tòa án Thương mại Quốc tế Canada là cơ quan đi đầu trong các nỗ lực của Canada nhằm cân bằng thương mại tự do và công bằng.
Chủ động thích ứng, giữ đà xuất khẩu
Thời gian qua, trước hàng rào phòng vệ của thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Canada đã tham dự vào phiên điều trần một số vụ việc tại tòa thương mại quốc tế Canada. Thương vụ cũng thực hiện các thăm dò dư luận sở tại và hơp tác chặt chẽ với các Hiệp hội và văn phòng luật của Canada để nắm bắt nguy cơ bị điều tra các lĩnh vực mặt hàng mới như: Vít thép carbon, thép cán nóng, tháp turbin gió, tấm pin năng lượng mặt trời, nội thất văn phòng…
Đồng thời, Thương vụ cũng tăng cường phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để kịp thời ra các thông báo cảnh báo sớm, giúp doanh nghiệp chuẩn bị phương án xử lý và cung cấp thông tin đầy đủ khi bị điều tra.
Song song với đó, Thương vụ Việt Nam tại Canada còn duy trì hệ thống cập nhật thông tin thường xuyên qua trang web, tổng hợp chính sách mới, theo dõi dư luận và truyền thông sở tại để phân tích xu hướng và đưa ra những khuyến nghị điều chỉnh chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại cũng tăng cường tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình điều tra, từ việc tư vấn hồ sơ, hướng dẫn cách phản hồi cho tới tham gia các phiên điều trần quan trọng. Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại đang tăng cường đẩy mạnh cảnh báo sớm về các nguy cơ điều tra từ thị trường tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt giảm thiểu rủi ro về pháp lý và chi phí phát sinh, mà còn góp phần duy trì ổn định thị phần xuất khẩu vào thị trường Canada. Đây cũng là điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển thương mại song phương bền vững trong dài hạn.
Trong bối cảnh hiện nay, để duy trì lợi thế xuất khẩu sang thị trường Canada, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ thông tin đến các doanh nghiệp thông qua việc thường xuyên phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình của địa bàn, các quy định mới và cập nhật trên trang web của Thương vụ để các doanh nghiệp có thêm cơ sở thông tin để quyết định kinh doanh.
Ngoài ra, Thương vụ cũng thường xuyên cập nhật tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại mà Canada tiến hành với các nước và các thay đổi chính sách trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp, Hiệp hội kịp thời điều chỉnh chiến lược đối phó.
Trước xu hướng gia tăng điều tra phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo sớm mặt hàng có nguy cơ bị điều tra. Cùng với đó, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra.
Về phía doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị cần chủ động nắm bắt thông tin, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đầu tư vào truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa quy trình sản xuất, xuất khẩu.