Căng thẳng địa chính trị kéo dài, EBRD hạ dự báo tăng trưởng
Các mức thuế mới của Mỹ cùng với những căng thẳng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ góp phần làm tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế và khu vực chủ chốt ở châu Âu trở nên ảm đạm hơn.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực cho năm nay xuống 0,2% so với dự báo tháng 2/2025, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực được công bố hôm thứ Ba.
Ngân hàng hiện dự báo tăng trưởng tại các khu vực EBRD sẽ đạt khoảng 3% trong năm 2025, trước khi tăng nhẹ lên 3,4% vào năm 2026.
Triển vọng tiêu cực này chủ yếu do ảnh hưởng từ việc tăng thuế quan và bất ổn địa chính trị kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại. Nhu cầu bên ngoài yếu cũng góp phần làm xấu đi triển vọng này.
Nhu cầu nội địa mạnh, chính sách tài khóa lỏng lẻo và mức tăng lương danh nghĩa cao cũng đang làm gia tăng lạm phát tại các khu vực EBRD. Sau khi giảm xuống 5,3% vào tháng 9/2024, lạm phát trung bình đã tăng lên 6,1% vào tháng 2 năm nay.

(Ảnh: Canva qua Euronews)
Nợ công và chi tiêu chính phủ
Tỉ lệ nợ công trung bình tại các khu vực EBRD được dự báo sẽ giữ ở mức tương đối ổn định, khoảng 52% GDP trong bốn năm tới. Tuy nhiên, dự báo này giả định rằng các chính phủ sẽ công bố chính sách tài khóa thắt chặt hơn, bao gồm cả tăng chi tiêu cho công nghiệp, quốc phòng và lãi vay, trong khi một số lĩnh vực chi tiêu khác sẽ bị cắt giảm.
Thuế quan mới của Mỹ có khả năng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế châu Âu chủ chốt như Đức. Tuy nhiên, sự chuyển hướng thương mại, đặc biệt thông qua các quốc gia có mức thuế thấp hơn, có thể giúp làm giảm và phân tán tác động của thuế Mỹ tăng cao.
Khu vực nào bị ảnh hưởng nặng nhất?
Bà Beata Javorcik, Kinh tế trưởng của EBRD, cho biết trong thông cáo báo chí: "Mặc dù cần thời gian để hiểu đầy đủ tác động vĩ mô của các mức thuế mới được công bố, nhưng hiện đã rõ rằng các khu vực của chúng ta đang bước vào một giai đoạn đầy bất định và tăng trưởng chậm lại.
Giảm căng thẳng thương mại thông qua đối thoại mang tính xây dựng và đạt đồng thuận về chính sách thương mại giữa các bên liên quan là điều then chốt, bởi sự bất định kéo dài sẽ mang lại cái giá kinh tế rất đắt".
Theo EBRD, khu vực Tây Balkan, các quốc gia Baltic và Trung Âu được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất về mức giảm tăng trưởng.
GDP của Tây Balkan được dự đoán đạt 3,2% trong năm 2025, tăng nhẹ lên 3,4% vào năm sau, chủ yếu do bất ổn chính trị tại Serbia cũng như tác động lan tỏa từ tăng trưởng giảm tại các nền kinh tế phát triển hơn ở Tây Âu.
Serbia, Bắc Macedonia, Bosnia & Herzegovina và Montenegro sẽ là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực này.
Tăng trưởng kinh tế tại Trung Âu và các quốc gia Baltic dự kiến chỉ đạt 2,4% trong năm nay và 2,7% vào năm 2026. Nguyên nhân chính là do tác động của thuế quan mới và nhu cầu bên ngoài chậm lại, đặc biệt từ Đức, cùng với sự bất ổn ngày càng tăng của chính sách toàn cầu.
Cộng hòa Slovakia, Estonia và Hungary sẽ là những quốc gia bị hạ dự báo mạnh nhất so với dự báo tháng 2/2025 của EBRD.
Tại khu vực Đông Nam EU, GDP dự kiến tăng lên 2% trong năm 2025 (từ mức 1,6% năm 2024), nhưng vẫn thấp hơn các dự báo trước đó. Sự phục hồi này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước của Bulgaria. Năm 2026, GDP được dự đoán đạt 2,4%.
Tăng trưởng kinh tế Trung Á năm nay được dự báo giảm xuống 5,5% và sẽ tiếp tục giảm còn 5,2% vào năm 2026. Giá hàng hóa giảm được cho là nguyên nhân chính làm kìm hãm tăng trưởng tại Mông Cổ và Kazakhstan.
Tại khu vực Địa Trung Hải phía Nam và Đông, tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt 3,6% trong năm nay, tăng nhẹ lên 3,9% vào năm 2026.
GDP của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo giảm từ mức 3,2% của năm ngoái xuống còn 2,8% trong năm nay, chủ yếu do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn dự kiến và nhu cầu trong lẫn ngoài nước đều yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có khả năng phục hồi lên 3,5% vào năm 2026.
GDP khu vực Đông Âu và Caucasus được dự báo đạt 3,5% năm 2025 và tăng vọt lên 4,3% vào năm 2026, mặc dù thiệt hại kéo dài đối với cơ sở hạ tầng năng lượng tại Ukraine và nhu cầu yếu từ EU có thể làm giảm triển vọng của Moldova và Ukraine.
Lê Anh (Theo Euronews, AA)