Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc mang đến cơ hội gì cho Châu Á?
Những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề thuế quan đã gây nên nhiều lo lắng cho kinh tế và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC, có những cơ hội mà Châu Á có thể nắm bắt, với tư cách là một trong những trụ cột kinh tế toàn cầu.
Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh thuế quan mới nhằm vào ba đối tác thương mại lớn của Mỹ là Canada, Mexico và Trung Quốc. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Canada và Mexico được nâng lên 25%, hàng hóa từ Trung Quốc chịu mức thuế bổ sung 10%.
Ông Trump tuyên bố mục tiêu là gây áp lực buộc các quốc gia này tăng cường kiểm soát dòng người di cư và nguồn cung các hóa chất tiền chất fentanyl, được cho là yếu tố then chốt trong chuỗi cung ứng fentanyl sang Mỹ.
![Mô hình tăng trưởng của các quốc gia Châu Á vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_594_51419683/e32fb4f68db864e63da9.jpg)
Mô hình tăng trưởng của các quốc gia Châu Á vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ.
Vài ngày sau đó, Tổng thống Trump thông báo hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada trong 30 ngày, sau khi 2 bên đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, vẫn thực hiện áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc từ 4/2.
Trung Quốc đã triển khai các biện pháp trả đũa chỉ sau vài giờ kể từ khi chính sách mới có hiệu lực. Theo đó, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ chịu thuế 15% khi vào Trung Quốc. Mức thuế với dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ô tô là 10%. Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cũng siết các kim loại quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum "để bảo vệ an ninh quốc gia". Ngoài ra, Google sẽ bị điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đưa hai công ty khác của Mỹ vào danh sách đen, có thể bị trừng phạt.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng nhận được đơn kiện về thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Trong văn bản gửi lên WTO, Trung Quốc cho rằng các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump "mang bản chất phân biệt đối xử", đi ngược với quy định của WTO.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_594_51419683/f21f9ac6a3884ad61399.jpg)
Những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề thuế quan, cũng như căng thẳng thương mại leo thang giữa các nước, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đã gây nên nhiều lo lắng cho kinh tế và thương mại toàn cầu.
Khu vực Châu Á không nằm ngoài tầm ảnh hưởng trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. Tuy nhiên, dẫu bối cảnh thách thức, cơ hội cũng xuất hiện.
Trong bài nhận định công bố ngày 7/2, ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC cho rằng, dưới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, Trung Quốc sẽ thay thế một số mặt hàng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ bằng nhiều khoản đầu tư nước ngoài. Quốc gia này tăng cường thương mại với các nền kinh tế mới nổi, củng cố vị thế trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xuất khẩu linh kiện và sản xuất công nghệ cao.
Điều này giúp Trung Quốc tránh những điều chỉnh lớn về tỷ giá, đồng thời tận dụng cơ hội tốt nhất để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và cải cách cơ cấu.
Đáng chú ý, theo ông Frederic Neumann, ASEAN sẽ hưởng lợi đáng kể từ những xu hướng này.
“Khu vực này đã vượt Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, từ xe điện đến điện tử tiêu dùng, nhờ vào sự hỗ trợ từ các khoản đầu tư của Trung Quốc”, ông lý giải.
Vị chuyên gia cho rằng, chính sách thiên về giảm nhập khẩu của Mỹ dưới thời ông Trump có thể vô tình tạo động lực cho Châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ.
Để tận dụng cơ hội này, châu Á cần có chiến lược tập trung tăng trưởng nội khối. Theo đó, các Chính phủ cần giải quyết sự mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư, khuyến khích gia tăng chi tiêu, đặc biệt là tiêu dùng nội địa, nội khối.
Thay vì tiếp tục xuất khẩu đến thị trường Mỹ hay Châu Âu, nơi các rào cản thương mại ngày càng gia tăng, Châu Á có thể mở rộng thị trường trong chính nội khối thông qua hoạt động đẩy mạnh hội nhập khu vực. Khi nhu cầu tiêu dùng trong khu vực tăng lên, Châu Á sẽ không chỉ giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, mà còn góp phần nâng cao tiêu chuẩn sống của các hộ gia đình.
“Có thể tăng cường thương mại và đầu tư nội khối với việc tận dụng các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với các thành viên ASEAN và Đông Bắc Á, hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 11 nền kinh tế từ Châu Á và Châu Mỹ. Việc mở rộng các hiệp định này để bổ sung thêm khu vực Nam Á sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng, giúp xây dựng khả năng thích ứng khu vực mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên 'tách rời'", ông Frederic Neumann gợi ý.