'Canh bạc' hơn 300 triệu USD để cứu Seoul khỏi đại dịch cô đơn

'Đại dịch cô đơn' đang hủy hoại thủ đô Seoul của Hàn Quốc từ bên trong, và chính quyền muốn rót 451,3 tỷ won (gần 322 triệu USD) để giải quyết vấn đề này.

Bề ngoài, Seoul là đô thị nhộn nhịp và lấp lánh, nhưng hàng trăm nghìn cư dân đang chìm ngập trong thứ gọi là "địa ngục Joseon" - những khoản nợ khổng lồ cùng áp lực học tập, việc làm.

Sự cô đơn và tự cô lập bắt nguồn từ thực tế đó và ngày càng trở nên trầm trọng. Đó là tai họa được biểu hiện theo nhiều cách, là vấn đề cấp bách mà chính phủ muốn giải quyết.

Theo một nghiên cứu năm 2021 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, khoảng 3,1% những người 19-39 tuổi, khoảng 340.000 người, được coi là cô đơn và sống ẩn dật. Mức độ cực đoan nhất là "godoksa" hay "cái chết cô đơn" - khi một người qua đời do tự tử hoặc bệnh tật sau khi cô lập mình khỏi xã hội.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số người chết cô đơn ở Hàn Quốc đã tăng từ 3.378 vào năm 2021 lên 3.661 vào năm 2023.

Sáng kiến "Seoul không cô đơn"

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch chi 451,3 tỷ won (gần 322 triệu USD) cho các biện pháp nhằm khắc phục vấn nạn cô đơn. Tuy nhiên, các chuyên gia nói với Business Insider rằng sáng kiến này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, và có thể không đạt được hiệu quả mà chính phủ kỳ vọng.

Với tên gọi "Seoul Without Loneliness" (tạm dịch: Seoul không cô đơn), sáng kiến này áp dụng cách tiếp cận đa chiều để giải quyết vấn đề.

Chính quyền thành phố cho biết trong một tuyên bố vào tháng 10 rằng những người đang trải qua sự cô đơn có thể gọi đến đường dây nóng tư vấn 24/7. Họ cũng có thể ăn cùng nhau tại các không gian cộng đồng và tích lũy điểm, các quyền lợi nếu tham gia hoạt động thể thao và các sự kiện địa phương.

"Chúng tôi sẽ huy động nguồn lực để tạo nên một thành phố hạnh phúc, nơi không ai bị cô lập, thực hiện sáng kiến Seoul không cô đơn và quản lý toàn diện vấn đề từ phòng ngừa đến chữa lành, tái hòa nhập xã hội và ngăn ngừa tình trạng tái cô lập", Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết trong tuyên bố.

 Seoul muốn "tuyên chiến" với đại dịch cô đơn. Ảnh: SCMP.

Seoul muốn "tuyên chiến" với đại dịch cô đơn. Ảnh: SCMP.

Khi được Business Insider liên hệ, một đại diện của chính quyền thành phố Seoul cho biết kế hoạch này sẽ có sự hợp tác của tất cả sở ban ngành thành phố nhằm "thiết lập một khuôn khổ hỗ trợ có hệ thống, phù hợp với các lĩnh vực và giai đoạn cụ thể".

"'Seoul không cô đơn' là một thách thức táo bạo đối với thành phố và không dễ dàng để thực hiện. Seoul sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng một thành phố nơi mọi người dân đều có thể sống hạnh phúc", người đại diện cho biết.

Năm ngoái, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình nước này cho biết sẽ trả cho những thanh thiếu niên bị cô lập về mặt xã hội khoảng 500 USD/tháng để khuyến khích họ hòa nhập với xã hội.

Phần nổi của tảng băng

Các nhà tâm lý học và xã hội học mà Business Insider phỏng vấn cho biết mặc dù sáng kiến trên của thành phố là một bước đi đúng hướng song không phải là giải pháp hoàn hảo.

Joonmo Son, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, nói: "Nó có thể hữu ích với những người cảm thấy mình bị cô lập và muốn thoát khỏi nỗi cô đơn. Nhưng đối với những người không muốn nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài thì chính sách này có lẽ chẳng liên quan đến họ".

"Vấn đề khác mà chúng ta cần nghĩ đến là chính sách này không ngăn chặn được sự cô đơn. Thay vào đó, nó chỉ nhằm ngăn chặn cái chết cô đơn của những người bị cô lập", Son nói thêm.

 Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách mới của Seoul chỉ chạm được đến "phần nổi của tảng băng chìm". Ảnh: Abbie Sharp.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách mới của Seoul chỉ chạm được đến "phần nổi của tảng băng chìm". Ảnh: Abbie Sharp.

Eva Chen, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa của Đài Loan (Trung Quốc), nói rằng Hàn Quốc nên giải quyết văn hóa cạnh tranh khốc liệt của đất nước này, vốn bắt đầu từ khi còn trẻ.

Năm ngoái, gần 80% trẻ em tham gia các chương trình giáo dục tư nhân như "hagwon" hoặc trường luyện thi, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc. Các gia đình chi tới 19,4 tỷ USD cho giáo dục tư nhân, có thể bao gồm mọi hình thức luyện tập sau giờ học ở trường.

"Đây là một xã hội cực kỳ cạnh tranh, bạn có thể thấy những vấn đề này bắt đầu xuất hiện khi trẻ em bắt đầu đi học. Tỷ lệ tự tử ở học sinh Hàn Quốc khá cao khi so sánh với các nước láng giềng", Chen nhấn mạnh.

Năm 2023, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ tự tử là 27,3/100.000 người, tỷ lệ cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD như Mỹ, Anh và Nhật Bản.

Chen cho biết áp lực trong môi trường cạnh tranh như vậy có thể khiến mọi người trở nên khép kín và cô lập hơn.

Kee Hong Choi, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc, cho biết hệ thống giáo dục của đất nước ông cần phải "thay đổi đáng kể" để giảm tính cạnh tranh.

"Mọi người đề cao chủ nghĩa cá nhân vì họ trở nên chai sạn về mặt cảm xúc do áp lực và sự phán xét của xã hội. Nhiều người bị chấn thương bởi những kiểu so sánh trong hệ thống giáo dục và bắt đầu phát triển các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu xã hội", Choi nói.

Cuộc đấu tranh liên tục của Hàn Quốc với "đại dịch" cô đơn gây ra những tác động về mặt xã hội và kinh tế.

Sohyun Kim, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc, chia sẻ rằng "cô đơn là một trong những vấn đề xã hội và kinh tế cấp bách nhất" mà nước này phải đối mặt.

"Nhiều cá nhân thuộc nhóm cô đơn cũng đang gặp khó khăn về tài chính, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì vấn đề này có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm cả năng suất làm việc, những người bị hạn chế về tài chính cũng có nguy cơ bị cô lập cao hơn", Kim giải thích.

Giáo sư Choi nhấn mạnh sự cô lập xã hội trong giới trẻ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, chẳng hạn như tỷ lệ sinh giảm.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 0,72 vào năm 2023, thấp nhất thế giới. Thậm chí còn thấp hơn ở Seoul, nơi ghi nhận tỷ lệ sinh là 0,55 trong cùng năm.

Dựa trên quỹ đạo hiện tại, dân số 51 triệu người của đất nước này dự kiến giảm một nửa vào năm 2100. Đó là vấn đề khác mà chính quyền Seoul đang cố gắng giải quyết bằng chương trình "khuyến khích sinh đẻ" nhằm tăng tỷ lệ sinh.

"Tất nhiên, những người cô đơn ít có khả năng lập gia đình hơn. Đó là một vấn đề lớn đối với Hàn Quốc hiện nay để tạo ra thế hệ trẻ em tiếp theo, nói một cách thực tế hơn là lực lượng lao động tiếp theo", Chen nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/canh-bac-hon-300-trieu-usd-de-cuu-seoul-khoi-dai-dich-co-don-post1515253.html