Temu đẩy cuộc chiến 'freeship' thêm khốc liệt

Theo chuyên gia, người Việt Nam hiện quan tâm việc miễn phí vận chuyển hơn giảm giá sản phẩm. Việc Temu thâm nhập thị trường càng kích thích sự cạnh tranh bằng miễn phí vận chuyển.

 Sự xuất hiện của nền tảng giá rẻ từ Trung Quốc đang kích hoạt cuộc cạnh tranh mới về miễn phí vận chuyển. Ảnh: Xuân Sang.

Sự xuất hiện của nền tảng giá rẻ từ Trung Quốc đang kích hoạt cuộc cạnh tranh mới về miễn phí vận chuyển. Ảnh: Xuân Sang.

Chia sẻ tại hội thảo "Xu hướng mua sắm Tết 2025 - Làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng?" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức ngày 2/12, chuyên gia thị trường của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đánh giá trong năm 2025, xu hướng mua sắm giải trí (shoppertainment) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, Temu, Shein... sẽ có nhiều chiến lược để phát triển mạnh hình thức miễn phí vận chuyển (freeship).

Bởi lẽ, người tiêu dùng có xu hướng chấp nhận hủy đơn nếu không có các mã miễn phí hay giảm phí vận chuyển khi mua hàng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Shopee, Lazada lỗ nặng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Hấp dẫn hơn cả cuộc chiến khuyến mại

Chuyên gia thị trường của BSA nhận định từ khi Temu tỏ rõ ý định thâm nhập Việt Nam, cuộc chiến miễn phí vận chuyển đã trở nên hấp dẫn hơn cả những cạnh tranh về mặt khuyến mại sản phẩm.

Vị này cho biết các sàn TMĐT đã có động thái thông báo tăng mức chiết khấu để bù vào phần freeship, hoặc nhà bán hàng phải tự động trả phần chi phí này.

Trong khi đó, việc thiếu mã freeship trên sàn có thể làm ảnh hưởng đến doanh số của các cửa hàng.

"Đối với người tiêu dùng Việt Nam, họ dành nhiều sự quan tâm vào câu chuyện liệu món hàng có được freeship hay không. Điều này còn quan trọng hơn cả việc giảm giá các sản phẩm", chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, khi Temu vào Việt Nam, một số ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề cam go hơn. Đặc biệt, các sản phẩm mà người tiêu dùng không quan tâm đến yếu tố thương hiệu như đồ gia dụng, thời trang, linh kiện, thiết bị điện tử sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

 Chuyên gia cho rằng Temu khiến cuộc chiến miễn phí vận chuyển trở nên khốc liệt hơn. Ảnh: Xuân Sang.

Chuyên gia cho rằng Temu khiến cuộc chiến miễn phí vận chuyển trở nên khốc liệt hơn. Ảnh: Xuân Sang.

Dù vậy, vị này cho rằng Temu vẫn chưa thực sự đẩy mạnh các hoạt động thương mại tại thị trường Đông Nam Á.

Thực chất, đại diện Temu khẳng định Đông Nam Á không phải là một nơi dễ dàng kinh doanh. Mặt khác, những sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường từ lâu, càng làm cho việc chiếm lĩnh thị phần trở nên khó khăn hơn.

"Đáng nói, tỷ suất lợi nhuận của Temu tại Đông Nam Á không bằng các thị trường khác nên họ ưu tiên đẩy mạnh hoạt động tại những khu vực ít bị cạnh tranh bởi nhóm sản phẩm giá rẻ", chuyên gia cho biết.

Cũng tại hội thảo, vị chuyên gia cho rằng Temu sẽ gặp nhiều khó khăn khi bán cùng một mặt hàng giá rẻ như các sàn TMĐT khác.

Ông dẫn chứng từ khảo sát do một công ty tại Thái Lan thực hiện, người tiêu dùng không thấy nhiều sự khác biệt lớn giữa hàng hóa của Temu so với Shopee hay Lazada. Do đó, họ vẫn chọn mua sắm ở những sàn này chứ không chỉ tập trung hoàn toàn vào việc chốt đơn hàng trên Temu.

Đừng "thần tượng" hóa bán hàng qua livestream

Cũng liên quan đến sự phát triển của TMĐT, vị chuyên gia từ BSA cho biết một lượng lớn doanh nghiệp đã triển khai hình thức bán hàng livestream, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Bởi lẽ, việc chạy đua theo doanh số bán hàng trên các phiên livestream và thuê KOL, KOC không phải là mô hình phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng ta đang 'xây nhà trên đất của người khác' khi các doanh nghiệp liên tục giao phó công việc cho một bên khác lo trọn gói. Nếu trực tiếp nắm giữ dữ liệu khách hàng và chủ động vận hành mô hình giao nhận sản phẩm cho khách hàng thì doanh nghiệp mới có thể tạo ra mô hình cân bằng giữa doanh số, lợi nhuận, vận hành về lâu dài", vị chuyên gia nhận xét.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra nhiều doanh nghiệp còn mông lung trong việc xác định người tiêu dùng biết đến sản phẩm thông qua thương hiệu của công ty hay độ nổi tiếng của các KOL, KOC.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không thể bán được hàng khi từ chối khuyến mại cho các sản phẩm xuất hiện trên những phiên livestream của KOL, KOC. Trong trường hợp đưa ra khuyến mại quá lớn, doanh nghiệp sẽ đối diện rủi ro mâu thuẫn giữa các kênh bán hàng và khiến thị trường bị xáo trộn giá cả.

Từ những khó khăn trên, theo chuyên gia tại BSA, trong năm 2025, các doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục thăm dò nhưng đặt ra các mục tiêu hài hòa với các kênh bán hàng khác.

Đối với những doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch livestream bán hàng, chuyên gia nhấn mạnh: "Hãy xem livestream là 1 kênh bán hàng, đừng thần tượng hóa nó. Công ty phải có chiến lược bài bản và tìm ra mô hình vận hành hiệu quả".

Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/temu-day-cuoc-chien-freeship-them-khoc-liet-post1515391.html