Cảnh báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào khủng hoảng
Ngày 22/6, Bộ trưởng Tài chính Đức cảnh báo 1 cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra trong thời gian tới.
Nguy cơ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng
Chia sẻ với truyền thông Đức, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Christian Lindner cho biết: “Có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng cao, vấn đề trong chuỗi cung ứng, lạm phát”.
Bộ trưởng Lindner cho rằng trong vài tuần và vài tháng tới, nước Đức - đầu tàu của nền kinh tế châu Âu có thể rơi vào tình trạng rất đáng ngại.
Ông đánh giá, nền kinh tế Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong khoảng 3 đến 4 năm, thậm chí có thể 5 năm tới và nước Đức phải tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó.
Cần phải bàn tất cả các lựa chọn kể cả tăng thời gian vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tại Đức để bù đắp sự thiếu hụt khí đốt từ Nga - ông Lindner nhấn mạnh.
Theo luật hiện hành tại Đức, 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại sẽ phải chấm dứt hoạt động chậm nhất vào cuối tháng 12 tới.
Bộ trưởng Lindner cũng cho biết, các đảng trong liên minh cầm quyền "Đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ xã hội - SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do - FDP) chưa đạt được thỏa thuận về việc kéo dài hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân kể trên.
Ông Lindner cho rằng, trong bối cảnh nước Đức đang phải tăng cường sử dụng điện than gây hại cho khí hậu nhiều hơn, thì việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân là cần thiết.
Bộ trưởng Đức nhấn mạnh, không phải Tổng thống Nga Vladimir Putin kiểm soát nước Đức mà chính Berlin phải tự tìm cách để làm chủ tình hình. Nước Đức vẫn có đủ khả năng đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, trong đó có cả việc sử dụng các mỏ dầu và khí đốt trong nước, ông Lindner nói.
Giám đốc IEA: Châu Âu cần chuẩn bị phòng trường hợp khí đốt Nga bị cắt hoàn toàn
Trong một diễn biến khác, ngày 22/6, hãng tin Financial Times dẫn lời Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị cho khả năng phải dừng hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt từ Nga trong mùa đông tới đồng thời kêu gọi chính phủ các quốc gia thuộc EU tìm kiếm nhiều biện pháp nhằm chuẩn bị cho kịch bản này.
“Châu Âu cần sẵn sàng cho trường hợp khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn”, ông Birol nói.
Khi được hỏi về việc tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom cắt 60% lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream vào tuần trước với lý do là vì vấn đề kỹ thuật, ông Birol cho rằng bước đi này của Nga có thể là nhằm ngăn châu Âu tích trữ khí đốt và củng cố lợi thế đòn bẩy của Nga trong những tháng mùa đông.
Ông Birol cũng cho biết trong tuần này, một số quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp như vận hành trở lại các nhà máy điện than để giảm nhu cầu khí đốt nhưng đây chỉ là biện pháp “tạm thời”.
Hiện một số quốc gia châu Âu như Đức, Áo, Italia và Hà Lan đã thông báo sẽ tăng cường dùng than đá để sản xuất điện, trong khi đó, Thụy Điển và Đan Mạch cho biết sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt.
Song, ông Birol nhấn mạnh nếu Nga dừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt, các biện pháp trên là chưa đủ và chính phủ các nước ở châu Âu cần áp dụng nhiều biện pháp khác để tăng cường tích trữ khí đốt.