Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi
Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã, đang phát sinh một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tại một số địa phương.
Theo Báo cáo của Chi Cục chăn nuôi, thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh), từ đầu năm đến nay cả tỉnh có 13 xã có dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), đến ngày 11/7 còn 11 xã có dịch bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày gồm các xã Yên Thủy, Yên Trị, Mai Châu, Pà Cò, Kim Bôi, Hợp Kim, Cao Dương, Thung Nai, Tiền Phong, Lạc Sơn, Trạm Thản. Theo thống kê, có tổng số 135 hộ có lợn mắc bệnh; ốm, chết, tiêu hủy 558 con. 01 ổ dịch bệnh LMLM tại xã Yên Lập. 07 mẫu dương tính bệnh Dại trên động vật tại các xã Vân Phú, xã Văn Lang, xã Minh Hòa, xã Yên Lập, xã Phù Ninh, xã Bình Xuyên, xã Bình Nguyên.

Xã Thung Nai tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh bằng hình thức chôn lấp
Bên cạnh đó, kết quả lấy mẫu giám sát lưu hành vi-rút lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm (CGC) năm 2025 đã phát hiện lưu hành vi-rút LMLM, CGC tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Đã lấy 1.000 mẫu giám sát các loại (600 mẫu giám sát lưu hành vi-rút CGC; 400 mẫu giám sát lưu hành vi-rút LMLM). Kết quả có ó 03/600 mẫu xét nghiệm dương tính với vi-rút CGC type A (01 mẫu tại xã Phùng Nguyên, 02 mẫu tại xã Tu Vũ), tuy nhiên, các mẫu đều âm tính (không phát hiện) với các chủng vi-rút CGC độc lực cao; Có 85/400 mẫu xét nghiệm có lưu hành vi-rút LMLM tại 10 xã, gồm: xã Phùng Nguyên, Bản Nguyên; xã Quảng Yên, Đông Thành; xã Minh Hòa; xã Thanh Thủy, Đào Xá, xã Tu Vũ; xã Cự Đồng, xã Thanh Sơn. Đồng thời, theo thông tin dự báo thời tiết cảnh báo xuất hiện các đợt giông bão, mưa, lũ, không khí nóng ẩm,... tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, có thể bùng phát dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh DTLCP, LMLM,...
Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm gia súc, gia cầm sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Sở Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo các địa phương có nguy cơ cao (ổ dịch cũ) xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Đối với bệnh DTLCP (các xã đang có dịch và các xã có nguy cơ cao xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi), gồm các xã: Yên Thủy, Yên Trị, Lạc Lương, Mai Châu, Pà Cò, Kim Bôi, Hợp Kim, Dũng Tiến, Cao Dương, Thung Nai, Mường Thàng, Thịnh Minh, Lạc Thủy, Cao Sơn, Tân Pheo, Tiền Phong, Toàn Thắng, Mường Hoa, Lạc Sơn, Nhân Nghĩa, Mường Vang, Yên Phú, Lạc Thủy, An Nghĩa, Trạm Thản, Chí Tiên, Xuân Đài, Vân Phú, Tây Cốc, Hiền Lương, Hùng Việt, Hy Cương, Bản Nguyên,...

Xã Lạc Sơn tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Trước tình hình đó, ngày 14/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ra quyết định thành lập 08 Tổ chuyên môn phụ trách các địa bàn trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên toàn tỉnh. Theo đó, các Tổ chuyên môn có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng cấp xã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp xã thực hiện xác minh dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm (tổ chuyên môn trực tiếp thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với các địa phương không có cán bộ thú y cấp xã hoặc cán bộ thú y cấp xã không có đủ khả năng lấy mẫu), quy trình các bước công bố và xử lý ổ dịch theo quy định.
Phối hợp với cơ quan chức năng cấp xã trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở giết mổ lợn tập trung được cấp phép. Hướng dẫn cho lực lượng chuyên môn cấp xã thực hiện quản lý, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn.
Đối với bệnh LMLM (các xã có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh LMLM), gồm các xã: Phùng Nguyên, Bản Nguyên, Quảng Yên, Đông Thành, Minh Hòa, Thanh Thủy, Đào Xá, Tu Vũ, Cự Đồng, Thanh Sơn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các xã, phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm tình hình dịch bệnh trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vứt xác động vật ra môi trường, các trường hợp buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái quy định (nếu có). Tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường và kế hoạch của địa phương; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để tái phát các loại dịch bệnh, lây lan và gây hậu quả nghiêm trọng.