Cô giáo có trách nhiệm thế nào vụ 20 trẻ ở Lai Châu nghi ngộ độc thuốc chuột
Sự việc 20 trẻ mầm non ở Lai Châu nghi bị ngộ độc thuốc chuột khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nhiều người đặt câu hỏi liệu cô giáo trong sự việc này có phải chịu trách nhiệm?
Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, với sự việc này nếu các trẻ ngộ độc là do thuốc diệt chuột thì cần làm rõ nguồn gốc số thuốc diệt chuột tại trường mầm non là của ai? Làm rõ động cơ mục đích việc cô giáo mang thuốc diệt chuột đến trường để làm gì và hậu quả của hành vi, để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp vụ việc chỉ là do sơ suất, vô ý của giáo viên khiến cho trẻ mầm non ăn phải nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì không đặt ra trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Còn trường hợp có việc cố ý sử dụng thuốc diệt chuột nhằm mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (như tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên) thì tùy tính chất, mức độ hành vi, hậu quả hành vi thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu hình sự với tội danh tương ứng.
Luật sư Hoàng Thị Hương Giang cũng cho hay, cô giáo trong vụ việc này cũng có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra, nếu xâm phạm đến sức khỏe người khác theo quy định của Bộ luật dân sự.
"Đây cũng là bài học cho giáo viên, nhà trường trong việc kiểm soát, bảo quản các chất sử dụng tại trường mầm non. Các chất độc hại sử dụng tại trường mầm non hay bất cứ nơi đâu cũng đều cần phải tránh xa tầm tay của trẻ em, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra", luật sư Hoàng Thị Hương Giang nói thêm.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho hay, để diệt chuột bằng hóa chất một cách an toàn, đầu tiên người dân cần chọn những loại hóa chất diệt chuột được phép lưu hành. Những loại hóa chất này có độc tố thấp hơn, hạn chế được nhiều nguy cơ hơn so với những loại cấm lưu hành. Tiếp theo, người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng hóa chất.
"Người dân tuyệt đối không dự trữ hóa chất diệt chuột trong gia đình, mua đến đâu sử dụng đến đấy. Tuyệt đối không trộn hóa chất diệt chuột với những loại thức ăn hấp dẫn với trẻ nhỏ như bim bim, bỏng, bánh,… khiến trẻ dễ nhầm lẫn.
Khi sử dụng hóa chất cần để nơi cao để trẻ không với tới, hoặc để nơi kín đáo, sau đó đóng cửa, khóa kỹ càng để trẻ em, người già… không tiếp cận được; Để hóa chất tránh xa nguồn thực phẩm và nước uống, nước sinh hoạt, tránh việc hóa chất ngấm vào nguồn nước hay thực phẩm. Đã có trường hợp cho nhầm hóa chất diệt chuột vào thực phẩm khi chế biến vì nhầm với gia vị; Khi sử dụng hóa chất diệt chuột cần sử dụng khẩu trang và bao tay", TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên hướng dẫn.
Sáng 5/11, BVĐK tỉnh Lai Châu tiếp nhận 20 bệnh nhi là trẻ lớp nhóm 24 - 36 tháng của Trường Mầm non Giang Ma, huyện Tam Đường nghi ăn thuốc diệt chuột. Qua thăm khám, có 2/20 trẻ mầm non có biểu hiện đau bụng, buồn nôn.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ BVĐK tỉnh Lai Châu đã tiến hành lấy máu, dịch tiêu hóa gửi đi xét nghiệm độc chất, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, truyền dịch, xử trí theo phác đồ. Xét nghiệm 6 bệnh nhi có hàm lượng Warfarin (thuốc diệt chuột) trong máu, hàm lượng thấp.
Sau 3 ngày được điều trị và theo dõi tại BVĐK tỉnh Lai Châu cùng với sự hỗ trợ chuyên môn từ chuyên gia BV Bạch Mai, sức khỏe của 20 trẻ ở Trường mầm non Giang Mai đã chuyển biến tốt.
Đến sáng 8/11, các trẻ ăn uống tốt, lâm sàng cải thiện, không nôn, không co giật, không có rối loạn chảy máu lâm sàng. Các xét nghiệm đông máu PT, INR giờ thứ 48 và giờ thứ 72 bình thường.