Cảnh báo nguy hiểm khi 'giảm cân thần tốc'

Kẹo giảm cân, bút tiêm giảm cân, cà phê giảm cân được quảng cáo rầm rộ là phương pháp giảm cân 'thần tốc' đã đánh vào nhu cầu muốn giảm cân nhanh của rất nhiều người. Tuy nhiên, giảm cân là một quá trình, đến nay, Bộ Y tế mới công nhận 2 loại thuốc giảm cân (dạng thuốc uống và thuốc tiêm), được chứng minh là hiệu quả, an toàn, còn các sản phẩm khác đều chưa được Bộ Y tế cấp phép, thậm chí có sản phẩm còn bị phát hiện có chất cấm.

Rủ nhau mua kẹo giảm cân

Theo khảo sát trên mạng xã hội và chợ điện tử, có nhiều thông tin rao bán kẹo giảm cân với quảng cáo “giảm cân thần tốc” như giảm 4kg sau 15 ngày sử dụng mà không cần ăn kiêng, không luyện tập vất vả, không gây tác dụng phụ, không mất nước… đã đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh của nhiều người. Có rất nhiều loại kẹo giảm cân được quảng cáo như: Kẹo dứa giảm cân V.I.C túi 7 viên thơm ngon giữ gìn vóc dáng, có giá 165 nghìn đồng; kẹo dứa plus giảm cân 7 viên 7 vị thơm ngon giá 25 nghìn đồng; kẹo dứa kèm detox giảm cân toàn thân, dễ ăn, mùi vị thơm ngon giá 62 nghìn đồng; hộp kẹo cà phê nguyên chất Đài Loan, viên kẹo giảm cân không đường giá 110 nghìn đồng; kẹo trà sữa không đường giảm cân Milk Tea Candy thơm ngon giá 100 nghìn đồng 100g… Với quảng cáo theo kiểu công dụng vượt trội, dễ ăn như kẹo, hấp thu chất béo, đào thải độc tố… làm cân giảm nhanh (từ 2-5kg sau 15 ngày sử dụng), lại có giá rẻ, nhiều chị em truyền tai nhau mua và sử dụng.

Kẹo giảm cân không rõ chất lượng được rao bán trên mạng.

Kẹo giảm cân không rõ chất lượng được rao bán trên mạng.

Bên cạnh đó, quảng cáo bút tiêm giảm cân vẫn hút khách vì nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần tiêm bút này vào chỗ nhiều mỡ (bụng, đùi, cánh tay…), thì sẽ giảm cân, nên tìm mua. Bút tiêm giảm cân được quảng cáo là giảm béo không đau, không phải vất vả luyện tập, kiêng ăn uống khổ sở mà vẫn có thân hình đẹp. Loại được rao bán nhiều là bút Spcell CLP-1 Semaglutide, hỗ trợ giảm cân ở người béo phì và điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng người bán quảng cáo thuốc này sẽ tăng cảm giác no lâu, tăng sản xuất insulin, giảm xơ vữa động mạch.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, ở Việt Nam cho đến thời điểm này mới có nhóm thuốc đồng vận GLP-1 duy nhất là Liraglutide được chỉ định vừa điều trị đái tháo đường, vừa điều trị béo phì là được phép sử dụng, còn những thuốc khác trong nhóm đồng vận CLP-1 chưa được phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Những loại thuốc giảm cân trong nhóm đồng vận GLP-1 đang bán trên mạng xã hội chưa được cấp phép. Hơn nữa, do nhu cầu sử dụng thuốc này trên thế giới nên tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng và không rõ nguồn gốc được bán rất nhiều và đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cảnh báo. Do đó, người dân không tự ý mua bút tiêm giảm cân rao bán trên mạng xã hội để sử dụng giảm cân, điều trị béo phì, kẻo tiền mất tật mang.

Độn chất cấm vào thực phẩm giảm cân

Hiện nay, trên mạng xã hội vẫn rao bán các loại cà phê, trà giảm cân mặc dù thời gian vừa qua một số sản phẩm cà phê giảm cân đã bị phát hiện “độn” chất cấm, được Bộ Y tế cảnh báo khi có người uống vào đã phải nhập viện. Gõ trên Google tìm cà phê giảm cân, chúng tôi thấy quảng cáo nhan nhản như: Cà phê uống hỗ trợ giảm cân Healthouse 472 nghìn đồng/hộp; trà hỗ trợ giảm cân giá 146 nghìn đồng/hộp; cà phê Go coffe, giá 550 nghìn đồng/hộp (12 gói) hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ, kiểm soát cân nặng, giảm cảm giác thèm ăn…

Nghe quảng cáo có loại cà phê Hoàng Gia Phát giảm cân siêu tốc (1 tuần giảm 4kg), chị N.T.H (37 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 500 nghìn đồng, mỗi sáng uống 1 gói. Cà phê này có vị ngọt, thơm như cà phê sữa. Uống đến ngày thứ 4, sau uống 15 phút, chị H có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước, thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh. Chị được người nhà đưa vào bệnh viện gần nhà cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở, co giật, hôn mê. Kết quả chụp CT cho thấy, não chị bị tổn thương. Kết quả giám định của Viện Pháp y trong loại cà phê giảm cân này chứa chất sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chất sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim, cho nên cả Mỹ và châu Âu đã ngưng sử dụng từ năm 2010.

Ngoài ra, trên mạng còn quảng cáo rao bán nhiều viên uống giảm cân giúp đào thải độc tố, hạn chế hấp thu chất béo và đều cam kết là hiệu quả, an toàn… Hay thuốc tan mỡ bụng của một thương hiệu “đình đám” ở Nhật có giá hơn 500 nghìn đồng/lọ; hoặc thuốc sổ mỡ bụng, hỗ trợ giảm cân của Mỹ có giá bán 1,2-1,5 triệu đồng/lọ… Câu chuyện của nữ bệnh nhân 43 tuổi ở Quảng Ninh phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực do tin vào lời quảng cáo trên mạng về thuốc giảm cân Baschi hồng (100% từ thảo dược thiên nhiên Thái Lan), đã mua về uống là lời cảnh báo hữu hiệu nhất cho những người có nhu cầu giảm cân hãy thận trọng khi uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Từ 70kg, sau khi uống thuốc giảm cân 1 tháng, chị này phải nhập viện tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy kiệt, nôn ra máu đen, còn 35kg do bị hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày. Các bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực của bệnh nhân, sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng. Nữ bệnh nhân phải điều trị và chăm sóc đặc biệt 3 tháng mới tăng lên được 5kg và dần hồi phục.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo nhiều sản phẩm thực phẩm giảm cân chứa chất cấm, trong đó có 2 chất gây rối loạn tim mạch, ung thư là sibutramine và phenolphthalein. Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm đã từng cảnh báo sau khi nhận được thông tin của Cơ quan Khoa học Y tế Singapore về việc phát hiện các loại kẹo như: Hamer Candies, Coco Curv, Choco Fit, Kimiso Dark chocolate và một số loại bột giảm cân như Nutriline Thinsline, Nutriline Ceansline, Wholly Fitz… chứa tân dược cấm sử dụng như N-desmethyl tadalafil, sibutramine và sennoside. Hay một loại kẹo dứa cũng bị Cục An toàn thực phẩm cấm vì chứa 2 loại độc tố là sibutramine và phenolphthalein.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược” mà tìm đến các sản phẩm trôi nổi để nhận hậu quả đối với sức khỏe. Các thực phẩm chức năng, đồ uống quảng cáo hỗ trợ giảm cân hiện nay hiệu quả thường không rõ ràng, nhưng lại được quảng cáo, đồn thổi và được bán với giá rất cao. Biện pháp giảm cân an toàn và hiệu quả là phải được khám, đánh giá và tư vấn của chuyên môn y tế, điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện phù hợp. Khi cần dùng thuốc giảm cân phải có bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, hoặc bác sĩ nội khoa khám và kê đơn chính thức, theo dõi sử dụng an toàn.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/canh-bao-nguy-hiem-khi-giam-can-than-toc-i758819/