Cánh cửa lớn mở ra cho nông sản Việt
Việc Việt Nam và Trung Quốc ký kết các Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến và cám gạo đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình đưa nông sản Việt tiếp cận sâu rộng thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Đây không chỉ là tin vui cho ngành nông nghiệp, mà còn là dấu mốc khẳng định uy tín, chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam trong hệ thống thương mại quốc tế.
Thêm 4 mặt hàng vào “câu lạc bộ” chính ngạch
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào các ngày 14-15/4, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung và ký kết loạt văn kiện hợp tác, trong đó nổi bật là các Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến thô, tổ yến sạch và cám gạo.

Ớt, chanh leo, tổ yến của Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Cụ thể, các văn kiện gồm: Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với quả ớt và chanh leo; yêu cầu kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm với tổ yến và cám gạo. Những quy định này sẽ là hành lang pháp lý quan trọng giúp đảm bảo quy chuẩn chất lượng, an toàn sinh học, nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì ổn định xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó, ớt và chanh leo chỉ được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức thí điểm, còn tổ yến chủ yếu qua đường tiểu ngạch với nhiều rủi ro và giá trị chưa tương xứng. Việc ký kết Nghị định thư chính thức sẽ mở ra tiềm năng tăng trưởng vượt bậc cho các mặt hàng này, đặc biệt là tổ yến - sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn giữ vị trí là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tới 4,6 tỷ USD để mua rau quả từ Việt Nam, trong đó sầu riêng dẫn đầu với hơn 2,84 tỷ USD, tiếp theo là thanh long (320 triệu USD), mít (240 triệu USD) và chuối (220 triệu USD).
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 521,2 triệu USD, chiếm gần 48% tổng kim ngạch ngành rau quả. Điều này cho thấy sức tiêu thụ mạnh mẽ và vai trò không thể thay thế của thị trường này đối với ngành nông nghiệp Việt.
Hiện nay, tổng cộng đã có 14 loại nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong đó, 6 mặt hàng đã được ký Nghị định thư gồm dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang. Các mặt hàng mới được bổ sung như ớt, chanh leo và tổ yến sẽ giúp cơ cấu hàng hóa thêm phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng tại thị trường tỷ dân.
Việt Nam sở hữu lợi thế lớn nhờ vị trí địa lý giáp Trung Quốc với hơn 1.450 km đường biên giới. Nhiều vùng trồng nông sản như Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang… chỉ cách các chợ đầu mối lớn của Trung Quốc vài trăm km, giúp giảm chi phí logistics, thời gian vận chuyển ngắn, giữ được độ tươi ngon và nâng sức cạnh tranh so với nông sản đến từ các nước khác.
Ngoài ra, hai bên cũng đang đẩy nhanh xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng và nâng cấp các kết nối mềm về hải quan thông minh. Điều này sẽ góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu ách tắc và nâng hiệu quả giao thương hai chiều.
Trung Quốc cũng sẵn sàng tạo điều kiện để Việt Nam mở thêm các Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Khẩu (Hải Nam) và nhiều địa phương khác. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị phần và xây dựng thương hiệu nông sản Việt một cách bài bản tại thị trường rộng lớn này.
Đòn bẩy từ các FTA và chính sách hợp tác chiến lược
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản Việt Nam thời gian qua không thể thiếu vai trò của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hai nước cùng tham gia như ASEAN - Trung Quốc, RCEP, và các Nghị định thư song phương. Đây là nền tảng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc với mức thuế ưu đãi, đồng thời buộc doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kỹ thuật, kiểm dịch và an toàn thực phẩm - những yếu tố quyết định khả năng trụ vững trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng đang phối hợp triển khai các sáng kiến hợp tác lớn như phát triển kinh tế số, thương mại xanh, kết nối hạ tầng giao thông và logistics. Các chính sách hợp tác chiến lược này sẽ tạo ra mạng lưới giao thương hiệu quả, ổn định và bền vững cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung.
Việc mở cửa thị trường chính ngạch cho ớt, chanh leo, tổ yến - những mặt hàng có giá trị gia tăng cao - là bước đi quan trọng để nông sản Việt vươn xa hơn, khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến đóng gói, chế biến. Đặc biệt với tổ yến - một sản phẩm có yêu cầu khắt khe về vệ sinh thú y, cần thiết lập chuỗi liên kết khép kín và minh bạch nguồn gốc để đáp ứng các quy định kỹ thuật cao của Trung Quốc.
Cùng với đó, vai trò của các cơ quan quản lý như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, hướng dẫn quy trình, cũng như nâng cao năng lực đàm phán, duy trì ổn định các kênh phân phối chính ngạch.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/canh-cua-lon-mo-ra-cho-nong-san-viet-162859.html