Cánh cửa rộng mở cho nông sản khi bắt tay với ngành Du lịch

Du lịch Ninh Bình đón hàng triệu lượt khách mỗi năm do vậy đây chính là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho nông sản địa phương. Việc đưa nông sản vào hệ thống nhà hàng, khách sạn để trở thành những món ăn tinh túy trên bàn tiệc hay quà đặc sản trong hành lý của du khách không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn mang đến những trải nghiệm độc đáo cho khách du lịch khi đến với miền đất Cố đô.

Đại diện ngành Nông nghiệp, Du lịch và các cơ sở sản xuất thực phẩm tham quan gian trưng bày nông sản tiêu biểu của các địa phương.

Đại diện ngành Nông nghiệp, Du lịch và các cơ sở sản xuất thực phẩm tham quan gian trưng bày nông sản tiêu biểu của các địa phương.

Tiềm năng đang chờ đánh thức

Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đang vươn mình trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Năm 2024, con số ấn tượng gần 8,7 triệu lượt khách đã minh chứng cho sức hấp dẫn khó cưỡng của vùng đất Cố đô.

Tuy nhiên, tiềm năng của tỉnh không chỉ dừng lại ở những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nơi đây còn ẩn chứa một nguồn lực dồi dào chưa được khai thác hết đó là những nông sản đặc trưng, phong phú và vô cùng hấp dẫn.

Thực tế, tuy diện tích đất tự nhiên, đất nông nghiệp của tỉnh ta không lớn nhưng với điều kiện tự nhiên, địa hình đa dạng, có cả vùng núi, đồng bằng và ven biển đã tạo thành lợi thế hiếm có về đa dạng sinh thái nông, lâm, ngư nghiệp cho tỉnh.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, về lúa, diện tích gieo cấy của tỉnh khoảng 70 nghìn ha, trong đó có tới 80% là lúa chất lượng cao với nhiều giống lúa bản địa đặc sản như Nếp Cau, Tám, Dự. Về rau, chúng ta có hơn 20 nghìn ha; cây ăn quả 6,9 nghìn ha, nổi bật là cây dứa đã có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, diện tích 3,4 nghìn ha.

Đối với thủy sản, tỉnh có cả thủy sản nước ngọt và thủy sản nước mặn, lợ, sản lượng hàng năm trên 70 nghìn tấn; với nhiều con nuôi đặc sản nổi tiếng như cá Tràu tiến vua, cá rô Tổng Trường, về con nuôi nước mặn có ngao đã được cấp chứng nhận ASC-chứng nhận cao nhất của châu Âu về nuôi trồng bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm. Về chăn nuôi, sản lượng thịt hơi hàng năm ước đạt 67,6 nghìn tấn...

Điều đặc biệt là thời gian gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển xanh, phát triển bền vững trong nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống. Hoạt động sản xuất, chế biến cũng được đầu tư phát triển với nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó chế biến rau, quả được xem là thế mạnh. Hiện toàn tỉnh có gần 200 cơ sở, doanh nghiệp, HTX tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản.

Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 209 sản phẩm được xếp hạng OCOP, trong đó có 142 sản phẩm hạng 3 sao, 67 sản phẩm hạng 4 sao. Với nguồn nông sản dồi dào, mang đậm bản sắc địa phương kể trên, chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp với thị trường du lịch đầy tiềm năng, tạo ra cơ hội phát triển bền vững hơn cho ngành nông nghiệp.

Các nhà hàng, khách sạn sẽ là kênh tiêu thụ ổn định và có giá trị cao cho nông sản địa phương. Thay vì phải cạnh tranh trên thị trường tự do với nhiều biến động về giá cả, người nông dân và các HTX có thể ký kết hợp đồng cung ứng trực tiếp, đảm bảo đầu ra ổn định và thu nhập bền vững.

Hơn nữa, việc sử dụng nông sản tươi ngon, đặc sản của Ninh Bình trong các món ăn không chỉ nâng cao chất lượng bữa ăn, làm hài lòng du khách mà còn góp phần quảng bá ẩm thực địa phương một cách tinh tế và hiệu quả. Mỗi món ăn mang hương vị đặc trưng của vùng đất Cố đô sẽ là một câu chuyện văn hóa hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò và thích thú cho du khách.

“Lợi ích kép” cho cả du lịch và nông nghiệp

“Với 300 phòng lưu trú và hệ thống nhà hàng đáp ứng cùng thời điểm cho khoảng 3.500 thực khách, do vậy nhu cầu sử dụng thực phẩm của chúng tôi là rất lớn. Chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng các nguyên liệu tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng từ địa phương. Tuy nhiên, hiện nay Khách sạn chủ yếu nhập hàng thông qua các đơn vị phân phối trung gian chứ hầu như chưa kết nối trực tiếp được với nông dân, HTX.

Thực tế, nếu hợp tác trực tiếp với các nhà cung cấp nông sản ở Ninh Bình thì sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, đảm bảo đồ ăn tươi ngon và có tính đặc trưng của địa phương hơn. Chắc chắn du khách rất thích thú khi được thưởng thức những món ăn được chế biến từ chính những sản vật mà họ nhìn thấy trên đường đi tham quan. Điều này không chỉ tốt cho nhà hàng mà còn góp phần quảng bá nông sản Ninh Bình một cách tự nhiên nhất”-ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc điều hành Khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Hoa Lư) chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, hiện nay, Khách sạn dành hẳn một không gian rộng rãi để các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm của mình đến quảng bá, bày bán. Tuy nhiên, chủng loại sản phẩm chưa nhiều và sản phẩm chỉ đơn thuần là bày ở đấy chứ chưa có người giới thiệu, truyền tải, kể câu chuyện sản phẩm đến với du khách, do vậy vẫn chưa thực sự thu hút khách hàng. Ở một khía cạnh khác, du khách thường có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn địa phương để làm quà tặng cho người thân, bạn bè hoặc đơn giản là để lưu giữ kỷ niệm về chuyến đi. Các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền hoàn toàn có thể trở thành những món quà ý nghĩa, vừa mang giá trị vật chất vừa chứa đựng giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Bình Minh, Chi hội trưởng Chi Hội Lữ hành, Hiệp hiệp Du lịch tỉnh cho biết: Du lịch và nông nghiệp có mối liên hệ mật thiết. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua sắm đặc sản địa phương của du khách ngày càng tăng.

Việc tạo điều kiện để du khách dễ dàng tiếp cận và mua các sản phẩm nông sản chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, không chỉ tăng doanh thu cho người nông dân mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch. Chúng tôi đang khuyến khích các công ty lữ hành đưa việc giới thiệu và mua sắm đặc sản vào chương trình tour, tạo thành một chuỗi giá trị khép kín nhưng rất tiếc là tỉnh ta chưa có một điểm tập trung trưng bày các sản OCOP nào quy mô và chuyên nghiệp.

Mong rằng tới đây sẽ có một không gian đủ lớn và toàn diện để trưng bày đa dạng các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, từ nông sản, thực phẩm chế biến, đồ thủ công mỹ nghệ cho đến các sản phẩm du lịch đặc trưng; có đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, am hiểu về quy trình sản xuất, giá trị dinh dưỡng, câu chuyện văn hóa và lịch sử gắn liền với từng sản phẩm; có bãi đỗ xe rộng rãi...

Còn về phía những nông dân, nhà sản xuất, anh Đỗ Ba Duy, Giám đốc HTX ốc nhồi Ninh Bình chia sẻ: Từ khi con ốc nhồi và các sản phẩm chế biến từ ốc nhồi của chúng tôi được chứng nhận OCOP và có cơ hội tiếp cận thị trường du lịch, doanh số đã tăng trưởng đáng kể. Chúng tôi đã liên kết với một số khách sạn, nhà hàng lớn và các cửa hàng đặc sản tại các khu du lịch để giới thiệu sản phẩm. Du khách rất thích thú với món ốc gác bếp, hay sản phẩm mắm cà cuống và mua về làm quà. Rõ ràng, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua thị trường du lịch mang lại lợi ích “kép”.

Đối với ngành Nông nghiệp, đây là cơ hội để mở rộng kênh tiêu thụ, giảm sự phụ thuộc vào các kênh truyền thống, tiếp cận trực tiếp với lượng lớn khách hàng tiềm năng. Các sản phẩm đặc sản, OCOP có thể được bán với giá cao hơn khi gắn liền với trải nghiệm du lịch.

Du khách sẽ trở thành những “đại sứ” quảng bá hiệu quả cho nông sản Ninh Bình. Ngược lại, đối với ngành Du lịch, việc khai thác nông sản địa phương sẽ tăng tính hấp dẫn cho điểm đến. Trải nghiệm ẩm thực độc đáo và cơ hội mua sắm đặc sản làm phong phú thêm hành trình khám phá Ninh Bình. Các tour du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làm nông sản, hay các lớp học nấu ăn đặc sản có thể thu hút du khách quan tâm đến văn hóa địa phương...

Thời gian tới, để khai thác tối đa tiềm năng này, Ninh Bình cần có những chiến lược và hành động cụ thể. Trong đó, cần kết nối chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã với các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đặc sản. Hỗ trợ nông dân áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói đẹp mắt, phù hợp làm quà tặng. Xây dựng câu chuyện sản phẩm hấp dẫn, gắn liền với văn hóa và con người Ninh Bình.

Với những lợi thế sẵn có và sự chung tay của các cấp, các ngành, việc “chắp cánh” cho nông sản Ninh Bình bay cao, bay xa nhờ “đòn bẩy” du lịch hoàn toàn nằm trong tầm tay. Đây không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là cơ hội để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo của vùng đất Cố đô, mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách và góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Nguyễn Lựu Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/canh-cua-rong-mo-cho-nong-san-khi-bat-tay-voi-nganh-du-lich-432767.htm