Cảnh giác biến chứng cúm mùa

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do mắc cúm A, trong đó có những ca biến chứng nặng.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hầu hết những người bị cúm mùa sẽ tự hồi phục sau vài ngày. Thế nhưng, với người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính và trẻ nhỏ khi mắc cúm có thể bị đe dọa đến tính mạng, do đó, người dân không nên chủ quan.

Chăm sóc bệnh nhi mắc cúm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Chăm sóc bệnh nhi mắc cúm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Cúm mùa “tấn công” người già, trẻ nhỏ…

Trong năm 2024 và tính đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã điều trị cho hàng nghìn ca cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy. Các trường hợp nặng đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu.

Điển hình như cụ ông T.V.L (78 tuổi ở Hà Nội) được chuyển từ bệnh viện gần nhà đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, mắc bệnh Alzheimer. Kết quả chẩn đoán, xét nghiệm cho thấy, cụ L. dương tính với cúm A. Trước tình trạng bệnh nhân bị suy hô hấp, các y, bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy...

Đề cập đến công tác điều trị bệnh nhân cúm trong vụ dịch năm nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, ở người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, các biểu hiện cúm thường nhẹ. Nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường, bệnh nhân sẽ tự khỏi và không phải nhập viện. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nền mạn tính hoặc người cao tuổi thì vi rút sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp, gây ra những biến chứng, như: Viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.

Tương tự, tại Bệnh viện Nội tiết trung ương đang điều trị cho cụ bà P.T.T (88 tuổi ở Hà Nội) mắc cúm A. Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện ho khan, sốt 38-39 độ C, đã tự mua thuốc kháng sinh, long đờm uống nhưng không đỡ. Tiếp đến, bệnh nhân sốt cao, ý thức chậm nên được người nhà đưa vào bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Suy hô hấp, viêm phổi do cúm A trên nền bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh thận mạn giai đoạn 3...

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh cúm đối với người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Hồng Quảng, phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nội tiết trung ương) lưu ý, người cao tuổi, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận… khi mắc cúm A cần phải được phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời, điều trị theo phác đồ, theo dõi chặt chẽ cũng như phòng bệnh tích cực ngay từ đầu để tránh các biến chứng không đáng có.

Không chỉ với người cao tuổi, người có bệnh mạn tính và trẻ nhỏ khi mắc cúm A cũng dễ diễn biến nặng. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị khoảng 10 bệnh nhi mắc cúm, trong đó có những ca biến chứng nặng. Các bác sĩ bệnh viện cảnh báo, thông thường, bệnh diễn biến nhẹ, có thể hồi phục sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hoặc trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… khi mắc cúm mùa có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm.

Tránh thói quen "tự làm thầy thuốc”

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024, nước ta ghi nhận 287.548 trường hợp mắc cúm mùa, trong đó có 8 ca tử vong. Các trường hợp tử vong do cúm chủ yếu ở người già, có bệnh nền, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp… Từ đầu năm 2025 đến nay, nước ta ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm mùa, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong công văn mới nhất gửi các địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, Bộ Y tế khẳng định, không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ các năm trước. Các tác nhân gây bệnh vẫn là các chủng cúm cũ, gồm: Cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Vấn đề được Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec lo ngại, đó là nhiều người có thói quen “tự làm bác sĩ”, mua thuốc về điều trị. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí rơi vào tình trạng suy đa cơ quan, khiến việc điều trị khó khăn.

“Dù cúm mùa thường được xem là bệnh nhẹ, nhưng nếu xuất hiện hai dấu hiệu: Suy hô hấp (thở nhanh, thở nông, khó thở, co kéo cơ hô hấp, tím tái) và SpO2 giảm dưới 93% (chỉ số bão hòa ôxy trong máu thấp có thể dẫn đến suy hô hấp cấp), người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức. Bên cạnh đó, những người có bệnh nền như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường, tim mạch có nguy cơ biến chứng cao hơn và cần đặc biệt theo dõi sát sao”, bác sĩ Ngô Chí Cương lưu ý.

Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, có đến 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Lưu ý, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp nhẹ, không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi. Việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu và phải theo chỉ định của bác sĩ. Bởi thuốc này là thuốc kê đơn, thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng. Người dân cần hiểu đúng về Tamiflu, để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan đi mua vì tin lời đồn thổi, đây là “thần dược” trong điều trị cúm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam:

Cúm mùa năm nay không phải là chủng mới

Cúm mùa là bệnh đã lưu hành nhiều năm. Bệnh có thể gia tăng hơn vào một số năm, trong đó có yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, cúm mùa năm nay tại Việt Nam không phải là chủng mới, vì vậy, người dân không nên quá lo lắng, quan ngại nhưng cũng không chủ quan.

Thực tế có một tỷ lệ nhất định người mắc cúm có thể chuyển biến nặng, trong đó đáng lưu ý nhất là người có bệnh nền, sức khỏe yếu và suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, trong môi trường lớp học đông người, vi rút cúm dễ dàng lây lan khi có nguồn bệnh. Do đó, phụ huynh và nhà trường nên cho học sinh bị cúm nghỉ học. Đồng thời, người dân nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh khử khuẩn bàn ghế và dụng cụ học tập cũng cần được thực hiện. Ngoài ra, một trong những biện pháp phòng ngừa cúm mùa hiệu quả chính là tiêm vắc xin cúm hằng năm.

Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương:

Cách phân biệt cúm mùa với các bệnh viêm đường hô hấp

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các vi rút gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, khiến trẻ thường xuất hiện tình trạng sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải mắc cúm A hay không. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng sung huyết, đỏ toàn bộ kèm theo dấu hiệu mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, thậm chí, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Khi trẻ có biểu hiện của sốt cao và viêm long đường hô hấp, cha mẹ cần cho con đi khám. Các thuốc trẻ được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định. Cha mẹ không được tự ý cho con sử dụng thuốc tùy tiện.

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:

Vắc xin cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện

Ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng của Hệ thống tiêm chủng VNVC trên cả nước cho thấy, số lượt người dân chủ động tiêm vắc xin cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường; trong đó, trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ lệ lớn. Việc người dân tăng cường tiêm vắc xin cúm cho thấy, ý thức tiêm vắc xin là phương pháp bảo vệ tối ưu trước các bệnh truyền nhiễm ngày càng nâng cao và nhân rộng ra cộng đồng.

Tiêm chủng phòng bệnh không chỉ tạo miễn dịch bảo vệ bản thân mà còn đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người yếu thế... Đặc biệt, vắc xin cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện, nguy cơ trở nặng, tử vong do cúm. Như trong mùa cúm năm 2019-2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, vắc xin đã giúp giảm khoảng 7 triệu ca mắc, 100.000 bệnh nhân nhập viện và 7.000 ca tử vong do cúm.

Xuân Lộc ghi

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/canh-giac-bien-chung-cum-mua-692934.html